Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Đền thờ Nguyễn Tri Phương ở Biên Hòa

 

Nguyễn Tri Phương là đại danh thần triều Nguyễn. Ông sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân(1800) tại Phong Điền, Thừa Thiên, tuẫn tiết ngày 20 tháng 12 năm Quý Dậu (1873) khi thất thủ thành Hà Nội.

Nơi sinh, nơi mất của ông đều không phải ở Đồng Nai. Thế nhưng ở Biên Hòa, Đồng Nai có ngôi đền thờ ông rất trang trọng. Đền thờ ông nằm bên bờ hữu ngạn sông Đồng Nai. Đi trên cầu Gành từ hướng Biên Hòa về Sài Gòn (chính là cây cầu xảy ra tai nạn đường sắt hôm Tết vừa rồi), nhìn xuống bờ sông ta thấy ngôi đền thấp thoáng sau những lùm cây xanh, bên cạnh sông nước hữu tình. Cảnh trí rất đẹp.

Người xưa kể rằng: Trước, đây là ngôi đình làng Mỹ Khánh. Năm 1873, khi Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, một vị bô lão nằm mộng thấy Đức ông Nguyễn Tri Phương hiện về với áo mão lẫm liệt, vũ khí trong tay oai hùng, bèn chặt cây mít trước nhà tự tay tạc như hình trong mộng. Tượng thờ ông còn đến bây giờ, và ngôi đình Mỹ Khánh cũng trở thành đền thờ Nguyễn Tri Phương từ thuở ấy. Dân làng tôn ông thành bậc phúc thần. Đền thờ ông được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992.

Tôi đến đền thờ Nguyễn Tri Phương để tưởng niệm một bậc anh hùng dân tôc, chiêm ngưỡng một di tích quốc gia và chụp ảnh post lên đây cho các bạn cùng xem.

Lần thứ nhất đến đây, cửa đóng then cài. Bờ sông vắng vẻ. Chỉ có thể từ ngoài nhìn vào.



Lần thứ hai đến đây, then cài cửa đóng. Vắng vẻ bờ sông. Có một người bán vé số dạo dí xấp vé vào mặt: Vé số chiều xổ đêêêê! Mua đi chú!

Lần thứ ba đến đây, cũng như những lần trước. Nhưng thấy phía trong có một người quản đền. Mừng quá, tôi xin phép được vào để tham quan và chiêm bái. Ông ta xua tay: Không mở cửa! Lễ mới được vô!

Híc, lễ ở đây tức là lễ kỳ yên, mỗi năm chỉ có 1 lần.


Những hình này là hình chụp từ ngoài tường rào.

Còn Bùm, đứng ngẩn ngơ ngoài khuôn viên đền, nhìn ra sông Đồng Nai...



Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
thương những đời như lục bình trôi...


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét