Khởi nghĩa Tây Sơn
Khi các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài tạm thời lắng xuống thì phong trào đấu tranh bạo động chống lại Chúa Nguyễn ở Đàng Trong bùng lên, mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
Tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, theo Chúa Nguyễn vào Nam khi vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê - Trịnh tới Nghệ An (1655) từ đời ông cố là Hồ Phi Long. Ông nội của anh em Nguyễn Nhạc là Hồ Phi Tiễn. Từ đời cha đổi sang họ Nguyễn theo họ của mẹ là Nguyễn Phi Phúc. Cũng có ý kiến cải sang họ Nguyễn là theo họ Chúa.
Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc lấy danh nghĩa chống lại Quốc phó Trương Phúc Loan, dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn (Bình Định). Được sự hưởng ứng của nhân dân quanh vùng nên cuộc khởi nghĩa ngày càng mạnh, trưởng thành nhanh chóng.
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định). Ảnh: hiquynhon
Tháng 9 năm Quý Tỵ (1773), quân Tây Sơn dùng mưu đánh chiếm được thành Quy Nhơn, liên tiếp đánh thắng quân Chúa Nguyễn rồi tiến đánh Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Chúa Nguyễn ký hòa ước với người Xiêm, để rảnh tay đánh Tây Sơn.
Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc xưng Vua, lập triều đại Tây Sơn, đặt niên hiệu là Thái Đức, đóng đô tại thành Quy Nhơn.
Năm Canh Tý (1780), Nguyễn Ánh xưng Vua. Quân Tây Sơn nhiều lần đánh vào Nam và truy sát nhưng Nguyễn Ánh đều trốn thoát.
Tháng 3 năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Huệ đem quân đánh Gia Định lần thứ tư, Nguyễn Ánh sai người sang Xiêm cầu viện rồi trốn ra đảo Phú Quốc. Đêm mùng 9 rạng ngày mùng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn đánh thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút.
Tại Bắc Hà, năm 1782, Trịnh Sâm chết. Con nhỏ Trịnh Cán được lập, rồi bị Trịnh Tông chiếm ngôi giết chết. Nguyễn Hữu Chỉnh quê ở Nghệ An bỏ Trịnh Tông, chạy vào Nam hàng Tây Sơn được Nguyễn Nhạc tin dùng.
Kinh thành Thăng Long bị quân kiêu binh càn quấy, tàn phá. Năm Bính Ngọ (1786), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy đánh ra Bắc, đánh thẳng ra Thăng Long. Trịnh Tông bị bắt rồi tự sát. Trên đường ra Bắc bằng đường biển, quân Tây Sơn cho nhiều toán du binh đổ bộ lên đánh phá các đồn của quân Trịnh ở Nghệ An, Thanh Hóa để gây thanh thế.
Tại Thăng Long Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trao trả quyền chính lại cho Vua Lê nhưng vẫn nắm thực quyền.
Tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), Vua Lê Hiển Tông qua đời. Lê Chiêu Thống lên ngôi. Anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc rút quân về Nam, giao quyền lại cho Nguyễn Hữu Chỉnh.
Súng thần công của quân Tây Sơn được tìm thấy tại căn cứ thủy binh Tây Sơn ở cảng Thị Nại (Quy Nhơn), hiện được trưng bày trong Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định). Ảnh: Wikipedia
Tàn quân Chúa Trịnh quay lại quấy nhiễu Thăng Long. Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra dẹp được nhưng lại lộng hành như Chúa Trịnh trước kia.
Do bất đồng về chiến lược, anh em nhà Tây Sơn mâu thuẫn. Đầu năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Huệ đem quân vây đánh Nguyễn Nhạc ở thành Quy Nhơn. Nguyễn Lữ đứng ra dàn xếp, anh em giảng hòa nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, bị kẻ địch từ hai phía lợi dụng.
Tháng 4, năm Mậu Thân (1788), Vua Lê Chiêu Thống bỏ kinh đô Thăng Long lưu vong tại Trung Quốc. Tháng 8, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định. Ở Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh có ý chống lại Tây Sơn. Nguyễn Huệ phái Vũ Văn Nhậm ra diệt trừ nhưng rồi lại chuyên quyền, có ý chống Nguyễn Huệ. Ông đã đem quân ra Bắc, giết Vũ Văn Nhậm rồi rút quân về Phú Xuân.
Cuối năm 1788, hơn 29 vạn quân Thanh hộ tống Lê Chiêu Thống về Việt Nam với danh nghĩa phù Lê, vào chiếm đóng Thăng Long. Quân Tây Sơn chủ động rút về đóng ở Tam Điệp - Biện Sơn (Ninh Bình) cố thủ chờ lệnh.
Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, xuất quân ra Bắc Hà.
Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788), đại quân của Hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng tại đây hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng. Hoàng đế duyệt binh, đọc dụ khích lệ tướng sĩ rồi tiến quân ra Bắc Hà.
Thanh gươm và súng loại nhỏ của quân đội nhà Tây Sơn, trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử TP. HCM. Ảnh: Wikipedia
Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân ra đến Tam Điệp (Ninh Bình). Chỉ trong vòng 6 ngày kể từ đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh.
Nguyễn Nhạc quyết định nhường quyền lãnh đạo cho Nguyễn Huệ để nhà Tây Sơn không còn bị chia rẽ. Quang Trung trở thành nhà lãnh đạo tối cao và lập ra các chiến lược rất lớn nhằm triệt để đánh bại các thế lực đối địch còn lại. Sự nghiệp thống nhất đất nước đã đến rất gần thì ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (ngày 16/9/1792), Hoàng đế Quang Trung băng hà.
Xứ Nghệ với Tây Sơn
Từ 1786 đến 1788, quân Tây Sơn đã 4 lần hành quân qua đất xứ Nghệ, và thực tế từ năm 1786 vùng này đã thuộc quyền kiểm soát của Tây Sơn. Tây Sơn - từ một cuộc khởi nghĩa nông dân phát triển thành phong trào dân tộc rộng lớn, lật đổ các chế độ của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Vua Lê - Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh bại sự xâm lược của giặc Thanh, giặc Xiêm, xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước, tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến thái độ chính trị của nhiều tầng lớp xã hội.
Trước hết, phải nói, trong đội quân Tây Sơn đã có nhiều người Nghệ tham gia và có những đóng góp quan trọng. Trong hành trình tiến ra Bắc đại phá quân Thanh, chỉ trong 10 ngày dừng chân tại Nghệ An, nghĩa quân Tây Sơn đã có thêm 5 vạn người gia nhập. Điều này chứng tỏ thái độ của dân chúng. Ngoài ra, dân xứ Nghệ còn đóng góp rất nhiều tiền của cho nghĩa quân. Sách “Quỳnh Đôi cổ tích hương biên” kể rằng Hồ Thị Ái đã xuất tiền chu cấp cho 3 suất lính mỗi tháng; bà Nguyễn Thị Phát nhà nghèo vẫn cấp 5 suất mỗi tháng...
Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, người xứ Nghệ, tham gia dù sớm hay muộn, nhưng đều gắng sức, nhiều người đã trưởng thành và đóng góp quan trọng. Tham gia ngay từ đầu có Đô đốc Ngô Văn Sở, Đô đốc Hồ Phi Chấn (quê ở Can Lộc), Đô đốc Dương Văn Tào (Thạch Hà), anh em nhà Lê Quốc Cầu, Lê Quốc Lý, Lê Quốc Đạm (Anh Sơn).
Đền thờ Vua Quang Trung trên Núi Dũng Quyết (TP. Vinh). Ảnh tư liệu
Bị chi phối bởi tư tưởng trung quân, một bộ phận sĩ phu ở xứ Nghệ đã chống lại Tây Sơn để bảo vệ vương triều nhà Lê, tiêu biểu là Trần Doãn Tư, Trần Phương Bính, Nguyễn Tiến Lâm, Lê Ban. Ngay cả anh em Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Nguyễn Điều cũng không phục Tây Sơn, có ý chống lại. Một số khác lại tỏ thái độ bất hợp tác như Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch… Nhưng, nhiều người vượt qua được quan niệm trung quân hẹp hòi, đã cùng với đại đa số nhân dân ủng hộ Tây Sơn. Đó là Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích, Nguyễn Nệ...
Nguyễn Thiếp từng 3 lần từ chối lời mời ra giúp nước của Quang Trung nhưng cuối cùng đã chuyển biến tư tưởng, nhận lời cộng sự, làm Viện trưởng Viện Sùng chính trông nom về văn hóa - giáo dục, rồi giúp Vua tìm đất lập thành Phượng Hoàng Trung Đô ở Dũng Quyết. Vua Quang Trung đã nói về ông: “Một lời nói mà xây nổi cơ đồ… chứ không phải vào hạng người chỉ bo bo làm việc mình mà thôi”. Phan Huy Ích là người cùng với Ngô Thì Nhậm được giao việc ngoại giao với nhà Thanh và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh. Nguyễn Nệ (con trai Nguyễn Nghiễm), từng làm quan nhà Lê, theo Tây Sơn, 2 lần làm phó sứ sang nhà Thanh.
Hoàng đế Quang Trung và triều đình Tây Sơn có tình cảm đặc biệt với Nghệ An, vì đây là quê cha, đất tổ và có vị trí địa chính trị an ninh quan trọng trong tư duy chiến lược của ông. Ông đã chọn Nghệ An để lập kinh đô của triều đại mới (thành Phượng Hoàng Trung Đô), tiếc là công trình dang dở. Và người Nghệ, dù là dân thường hay sĩ phu, quan lại, văn nhân cũng rất yêu kính, ủng hộ Vua Quang Trung và Tây Sơn. Trong sự nghiệp vĩ đại của Tây Sơn có sự đóng góp lớn lao của xứ Nghệ.
Nguyên Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét