Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Khánh đá chùa Thiên Đài

Chùa Thiên Đài thuộc xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) không chỉ là danh lam cổ tích mà còn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá vật thể quý giá. Tiêu biểu là chiếc khánh đá lớn có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Khánh đá tại đây là một trong các món pháp khí độc đáo làm tăng thêm giá trị lịch sử văn hoá Phật giáo của chốn danh lam cổ tích này.

Sách “Đồ thờ trong di tích của người Việt” (Giáo sư Trần Lâm Biền), do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin ghi: “... Khánh là một trong các món pháp khí của Phật giáo, dùng vào cả ngày lẫn đêm ở các tùng lâm, tu viện, Phật học viện... cả xưa lẫn nay chúng còn thường được dùng làm hiệu lệnh báo tin giờ tu học, tụng kinh, thọ trai, chấp tác... cho chúng tăng”. 

Chùa Thiên Đài.

Khánh xuất hiện tại các công trình tôn giáo thờ tự Phật giáo từ rất lâu đời. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, chiếc khánh đá có niên đại sớm nhất ở nước ta hiện nay được chế tác vào nửa cuối thế kỷ XVII. Khánh thường được tạo tác phổ biến từ các loại vật liệu chủ yếu như đá, đồng và gỗ. Khánh đá chùa Thiên Đài có niên đại khá sớm. Dòng lạc khoản chữ Hán khắc trên khánh đá cho biết, vào ngày tốt tháng 2 năm Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5 tức 1724 tạo tác khánh đá.

Khánh đá chùa Thiên Đài có hình dáng đẹp, được làm từ đá xanh nguyên khối, hình bán nguyệt. Trên đó trang trí hoa văn dây leo, chính giữa có lỗ treo khánh hình tròn. Trên thân khánh mặt phía sau khắc chữ Hán, nội dung ghi danh sách những người công đức tu sửa chùa Thiên Đài và giá trị ý nghĩa của khánh đá.

Khánh đá chùa Thiên Đài.

Trong đó có đoạn khắc ghi: “Thường nghe nói rằng trong sân nhà vua thường có treo khánh để làm khuôn phép. Điều khiến cho mọi người vui vẻ là làm ra khánh đá để biểu dương công đức. Từ xưa đến nay, khánh là do xương của núi rèn đúc thành, những tinh túy của đất chung đúc lại tạo ra, lại được màu xanh của trời toả chiếu ánh sáng, phô bầy ra hình dáng của nửa vầng trăng, âm thanh của nó, gõ vào khánh nghe tiếng động vang xa cả mười phương, thức tỉnh các thiện tín quay về với hiện thực. Nên hình dáng chiếc khánh vốn là pháp khí của chốn cửa thiền. Nay ở thôn Hưng, xã Hả Hộ, Lục Ngạn, phủ Lạng Giang, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt có ông Nguyễn Quốc Thực cùng vợ là Giáp Thị Ngay và con trai Nguyễn Quốc Sắc, Nguyễn Quốc Thái… cùng toàn thể gia đình và mọi người trong thôn cùng nhau hưng công chế tạo, mài đẽo, gọt rũa đá một cách thành kính để làm pháp nhạc lâu dài cho chốn danh lam cổ tích này”. 

Cũng ở mặt ấy của khánh đá có dòng lạc khoản khắc ghi niên đại tạo tác khánh đá cụ thể: “Hoàng triều Bảo Thái ngũ niên, tuế thứ Giáp Thìn, trọng xuân, cốc nhật”. Có nghĩa là: Khánh được tạo tác vào ngày tốt, tháng 2, năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724).

Hiện nay ở Bắc Giang loại hình khánh đá cổ còn tồn tại với số lượng rất ít, ngoài chiếc khánh đá chùa Thiên Đài còn có 6 chiếc khánh đá khác được lưu giữ tại các di tích như chùa Chèo, xã Thái Sơn (Hiệp Hoà), chùa Sàn, xã Phương Sơn (Lục Nam), chùa Đoan Minh, xã Vân Hà (Việt Yên), chùa Phán Thú, xã Việt Lập (Tân Yên), chùa Bài Xanh, xã Vân Trung (Việt Yên), chùa Bích Trĩ, thị trấn An Châu (Sơn Động).

Chiếc khánh đá chùa Thiên Đài không chỉ là pháp nhạc của nhà Phật mà còn là hiện vật quan trọng giúp các nhà nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc các loại hình nhạc khí thờ tự bằng đá có niên đại tạo tác dưới thời Lê hiện còn tồn tại trên vùng đất cổ Bắc Giang.

Đồng Ngọc Dưỡng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét