Bắc Giang là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây có nhiều di tích, địa danh gắn với tục thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngoài khu di tích Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm còn có nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thờ Phật hoàng như chùa Bảo An, xã Cương Sơn (Lục Nam), đình Đông Loan, xã Lãng Sơn (Yên Dũng)... và bên sườn Tây Yên Tử có ngôi đình cổ Mai Sưu thuộc xã Trường Sơn, huyện Lục Nam cũng thờ Phật hoàng.
Thần tích, Thần sắc làng Mai Sưu lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đình Mai Sưu thờ 3 vị Thành hoàng: Nhân vương Thái Sư đại vương, Thập vương Thái Lang đại vương và Cao Sơn đại vương.Đình Mai Sưu.
Theo các cụ cao niên địa phương cho biết xưa nay nhân dân vẫn thờ Trần Nhân Tông theo lệ cũ, còn theo sự tích hai ngài Nhân vương Thái Sư đại vương, Thập vương Thái Lang đại vương đều hiển thánh về đời nhà Trần. Trong bản văn cúng đình Mai Sưu có thỉnh tới Phật hoàng Trần Nhân Tông. Không chỉ đình Mai Sưu mà hai cửa nghè ở vùng đất này đều thờ Phật hoàng.
Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba nhà Trần, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Ông là Thái tử Khâm, con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng thái hậu Nguyên Thánh. Trần Nhân Tông lên ngôi năm 1278, thời kỳ ngoại xâm thường xuyên đe doạ, ông cùng Thượng hoàng mở hội nghị Bình Than, sau đó mở hội nghị Diên Hồng thống nhất ý chí đánh giặc cứu nước.
Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ông thường có mặt ở bộ chỉ huy và từng tham gia trận Bạch Đằng nổi tiếng. Năm 1293, ông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái Thượng hoàng, đi chu du các nơi trong nước, thắt chặt quan hệ hoà hiếu với Chăm Pa, cứu giúp người dân. Sau đó ông xuất gia đi tu ở núi Yên Tử, thành lập phái Trúc Lâm, xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm ở Trí Yên, Yên Dũng.
Địa danh Mai Sưu (Lục Nam) là một trong những nơi ghi nhớ công ơn của vị vua, Phật hoàng anh minh, đức độ. Nhiều làng xã trong vùng xây dựng đình, chùa để tôn thờ Phật hoàng. Ngôi đình Mai Sưu nằm bên cạnh trục đường 293 đi Tây Yên Tử. Người dân địa phương còn gọi đây là đình Cháy để ghi nhớ tội ác của thực dân Pháp khi chúng mở cuộc tàn sát tại Mai Sưu ngày 15/10/1948.
Đình Mai Sưu được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVIII, ngôi đình xưa to rộng, bề thế kiến trúc kiểu chữ nhị gồm 2 toà tiền tế và đại đình. Các cấu kiện kiến trúc dựng bằng gỗ lim, chạm khắc đẹp. Năm 1948 thực dân Pháp càn quét ném bom huỷ diệt đốt cháy đình. Năm 2011, nhân dân địa phương tôn tạo lại ngôi đình khang trang tố hảo. Hiện nay đình Mai Sưu có bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 3 gian 2 chái toà tiền đình nối 2 gian toà hậu cung, liên kết khung vì mái hoàn toàn bằng gỗ lim chắc khoẻ.
Trong đình hiện nay bảo lưu được một tấm bia đá và chân tảng kê cột đình cũ. Tấm bia đá tuy đã bị mờ mòn nhiều, nhưng căn cứ vào kiểu dáng và nội dung những dòng chữ Hán còn lại cho biết đây là tấm bia ghi công đức được soạn khắc ở thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đình Mai Sưu là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngôi đình là cở sở cách mạng, trạm chung chuyển cán bộ cách mạng cho Chiến khu Đông Triều. Theo lịch sử địa phương ghi lại: Ngày 17/10/1948, giặc Pháp sử dụng không quân và bộ binh từ bốn hướng bao vây Trường Sơn nhằm tiêu diệt các cơ quan cách mạng của ta đang đứng chân ở đây, chúng đốt đình làng Mai Sưu, đốt nhà cửa, bắn giết nhiều người dân vô tội.
Ngày 10 tháng 3 Âm lịch là hội lệ truyền thống ở địa phương để tưởng nhớ đức vua Trần Nhân Tông và các vị Thành hoàng đã có công với nước. Lễ hội có nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc gắn liền với truyền thống phong tục địa phương như lễ rước kiệu từ nghè Lầm về đình làng, lễ tế, các trò chơi đấu vật, chọi gà, đánh cờ, đánh đu…
Đồng Ngọc Dưỡng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét