Nằm biệt lập với thành phố, cách một con sông Phổ Lợi Hà, một bên là vùng thấp trũng Rú Chá tiếp giáp biển Đông, làng cổ Dương Nổ vẫn còn là một ẩn số với nhiều người Huế và du khách.
Làng lúa làng “trải”
Làng Dương Nổ (thuộc xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) nằm về hướng Đông, cách trung tâm thành phố 6 km. Dương Nổ là một làng cổ hơn 500 năm tuổi, gốc tích do di dân từ Thanh Hóa vào. Làng gồm có 7 họ: Nguyễn, Trần, Đoàn, Lê, Võ, Huỳnh, Dương; trong đó vị khai canh, khai khẩn là võ tướng Nguyễn Đức Xuyên, được vua Gia Long phong làm Khoái Châu Quận Công, trong vùng thường gọi là Khoái Công; tên ông được đặt cho một con đường lớn ở trung tâm huyện lỵ Phú Vang.
Làng Dương Nổ (thuộc xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) nằm về hướng Đông, cách trung tâm thành phố 6 km. Dương Nổ là một làng cổ hơn 500 năm tuổi, gốc tích do di dân từ Thanh Hóa vào. Làng gồm có 7 họ: Nguyễn, Trần, Đoàn, Lê, Võ, Huỳnh, Dương; trong đó vị khai canh, khai khẩn là võ tướng Nguyễn Đức Xuyên, được vua Gia Long phong làm Khoái Châu Quận Công, trong vùng thường gọi là Khoái Công; tên ông được đặt cho một con đường lớn ở trung tâm huyện lỵ Phú Vang.
Đua trải đường trường đòi hỏi các vận động viên phải có sức khỏe dẻo dai .
Khách muốn đến thăm làng trải, đi theo đường Nguyễn Sinh Cung TP. Huế, mất 15 phút chạy xe máy là đến chiếc cầu bắc ngang sông Phổ Lợi Hà (cầu Chợ Nọ), trước mắt bạn sẽ hiện ra đình làng, nhà thờ trải. Mục sở thị mới biết hiếm có làng nào yêu quý những chiếc trải đua như Dương Nỗ. Trong khuôn viên đình làng và nhà thờ 7 họ, dân làng xây một ngôi nhà cực lớn (năm 1808) để thờ các chiếc trải đua. Dân làng Dương Nổ trai gái đều yêu thích môn đua trải. Mỗi khi trải làng tham dự cuộc đua ở đâu, mọi người đều nghỉ việc, thuê xe đi theo cổ vũ. Từ khi thành lập làng đến nay, dân làng luôn duy tu, bảo dưỡng hai chiếc trải đua, đặt trong ngôi nhà thờ trải. Đây là nơi tôn nghiêm, cấm trẻ em và phụ nữ lai vãng. Người già kể: có đứa trẻ tò mò tọc mạch, vào thấy chiếc trải có hai con mắt nên lấy tay sờ. Về nhà, tự nhiên mắt nó không thấy được nữa. Cha mẹ hỏi chuyện, vội vàng đến nhà thờ trải dâng lễ tạ, nó mới khỏi. Đối với phụ nữ, cũng không được đến đó, thần trách phạt, trải đua sẽ thua xiểng liểng.
Sau hội đua, chiếc trải tháo rời từng mãng, đưa vào trong nhà thờ. Đến hội đua mới, các bộ phận trải lại được đưa ra gian bên phải đình làng, mời thợ đóng ghép lại thành trải đua. Muốn sắm một chiếc trải đua phải tốn hàng trăm triệu đồng, gồm tiền gỗ kiền, tiền mây rừng, vỏ tràm, tiền công thợ/ tháng. Mê “đua trải” tốn kém, do đó nhiều làng không có tiền để sắm và bảo dưỡng chiếc trải. Có hội đua, làng đó phải đi thuê trải của làng khác.
Tinh hoa nghề trải đua
Nghề đóng mới hay lắp ghép trải đua xưa nay “cha truyền con nối”, không truyền dạy bí quyết cho người ngoài. Huyền thoại trong nghề làm trải ở Huế thuộc về cụ Lê Sắc, người làng Quy Lai (xã Phú Thanh, Phú Vang). Dân gian kể chuyện cụ Sắc tài hoa như: mỗi khi đến hội đua trải, các làng tranh nhau bày biện một mâm cau, trầu, rượu mời cụ đến đóng ghép (nẹt) trải, tiền công cực kỳ hậu hĩnh.
Hai chiếc trải của làng Dương Nổ đang được “nẹt” (lắp ghép) để dự hội đua ngày 2/9.
Chiếc trải đua Huế có hai loại: trải “mực” dài gấp rưỡi trải “thường”, ngồi được 25 người, trải thường 15 người. Chiếc trải gồm năm tấm ván kiền kiền, dài 15 - 20 m. Kết nối các tấm ván bằng mây rừng già, mới đạt độ bền, căng. Giữa khe ván chèn vỏ cây tràm gặp nước sẽ nở ra bịt kín. Đến đoạn chỉnh trải (gọi là nẹt) quan trọng nhất, cụ Sắc tự tay gài bốn cái nêm gỗ vào đằng mũi và lái. Cụ cầm chiếc búa nhỏ, gõ khe khẻ, xong thì chiếc trải ấy hạ thủy, lướt như bay...
Du khách thường nhầm đua trải với đua ghe. “Trải” tiếng Huế là chiếc thuyền đua hoàn toàn bằng gỗ, còn “ghe” là chiếc thuyền đan bằng tre. Do vật liệu, kích cỡ khác nhau nên chiếc trải chở nhiều vận động viên (15 - 20 người), chiếc ghe nhỏ (10 người). Tốc độ chiếc trải đua so sánh với ghe không khác gì xe mô tô với xe đạp, khi tăng tốc đạt đến 50 km/giờ.
Trong môn đua trải, người Huế sử dụng nhiều phương ngữ khó hiểu. Bơi (chèo) trải thì gọi là “lạu”. Điều chỉnh chiếc trải đua gọi là “nẹt”. Dụng cụ để người bơi trải gọi là cái “chằm”. Xác định đường đua người ta cắm trên dòng sông 3 cây tre báo hiệu. Cây tre phía thượng lưu là “vè tiền”, cây chính giữa là “vè trung tâm” cây cuối cùng là “vè hậu”; mỗi cây “vè” cách nhau từ 1 km trở lên. Khi đua bắt buộc chiếc trải nào cũng phải vòng qua “vè” rồi mới đi thẳng đường trường, gọi là “lộn vè”. Hết một cuộc đua gọi là “3 vòng, 6 tráo”, ước tình dài 12 đến 15 km.
Lộn vè trung tâm các trải đua đang phấn khởi về đích .
Trong khi đua, các vận động viên vừa chèo vừa đồng thanh hò khoan “dồn là dồn là dồn/ lạu là lạu là lạu”; chưa ai cắt nghĩa được, nhưng câu hò này thúc dục các tay chèo cố gắng vượt lên đối phương. Cuộc đua chia thành ba hiệp: “tráo cúng”, “tráo tiền” và “tráo phá”; “tráo phá” quan trọng nhất, như hiệp đấu chung kết. Giữa mỗi hiệp có nghỉ ngơi, bồi dưỡng và trao giải. Vận động viên dùng xôi với thịt bò, thịt heo, gà; không bao giờ sử dụng thịt vịt vì sợ xui. Giải thưởng cao quý nhất không phải nhiều tiền lắm bạc, mà ở mâm cau trầu rượu, bên trên đặt một tấm lụa điều (đỏ), dài khoảng 2 - 3 m; các bô lão đem về làng, treo lên một cây tre cao chót vót; chọn nơi đền miếu thiêng liêng nhất, để dân làng chiêm ngưỡng và tự hào.
Do quy mô tổ chức rất tốn kém, lễ hội đua trải thường tổ chức cấp tỉnh, vào các ngày lễ lớn (30/4, 19/5, 2/9). Đua ghe đơn giản, tổ chức theo phạm vi xã, huyện. Trước 1945, môn đua trải trên sông Hương cực thịnh dưới triều vua Minh Mạng.
Đến nay, người dân Dương Nổ vẫn tôn trọng tín ngưỡng “Thần Trải”, cùng các lễ thức tịch điền, trong quá trình sản xuất nông nghiệp; để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.
Vũ Hào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét