Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Nơi an nghỉ của anh hùng Lý Tự Trọng

Mộ phần của anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng được xây năm 2011, đặt trong khu tưởng niệm ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà.

Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh năm 1914 tại Thái Lan, nguyên quán ở xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà. Trên ảnh là tượng thờ bán thân của ông làm bằng đồng nguyên khối, đặt tại nhà tưởng niệm của khu di tích. 

Năm 1926, tại Thái Lan, chàng trai trẻ là 1 trong 8 người được Hồ Tùng Mậu thay mặt Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lựa chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo để xây dựng tổ chức cộng sản tại Việt Nam về sau.

Cuối năm 1926, tại Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đổi tên Lê Hữu Trọng thành Lý Tự Trọng, đưa vào nhóm "Thiếu niên tiền phong Việt Nam". Ông sau đó được cử đi học, làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.

Giữa năm 1929, Lý Tự Trọng được cử về Việt Nam, nhận nhiệm vụ liên lạc, vận động thanh niên để thành lập Đoàn thanh niên cộng sản tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 2/1931, tại cuộc mít tinh kỷ niệm một năm Khởi nghĩa Yên Bái, khi thực dân Pháp ập tới, Lý Tự Trọng rút súng bắn chết mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Laren. Ông lập tức bị địch bắt, giam cầm và tra tấn. Không khai thác được thông tin bí mật, thực dân Pháp mở phiên tòa, kết án tử hình Lý Tự Trọng lúc mới 17 tuổi.


Quần thể Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng có diện tích 4,39 ha, đặt ở thôn Tân Long, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, gồm các hạng mục chính như: Phần mộ, nhà thờ, tả vu, hữu vu, nhà văn hóa (bao gồm hội trường và phòng trưng bày), nhà điều hành, quảng trường, cảnh quan ngoài trời.

Công trình được xây năm 2011, hoàn thành ngày 20/10/2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. 

Nhà tưởng niệm là nơi thờ tự anh linh Lý Tự Trọng cùng một số chiến sĩ cách mạng đã hy sinh. Công trình hướng mặt ra sông Cầu Sông, xã Việt Tiến, lưng tựa đồi. Ngoài đặt tượng bán thân Lý Tự Trọng, bên trong còn có hệ thống câu đối, võng lọng làm bằng gỗ dát vàng. 

Nhà tưởng niệm trưng bày các hiện vật được tìm thấy trong lúc khai quật phần mộ Lý Tự Trọng tại công viên Lê Thị Riêng, quận 10, TP HCM vào năm 2011. Trên ảnh là còng tay, cùm chân, ảnh thép có số 3 theo suy đoán là số tù. 

Khu mộ diện tích 500 m2. Phía sau phần mộ là phù điêu 3 lá cờ tổ quốc chồng lên nhau, thể hiện "lớp lớp nhân dân và đoàn viên thanh niên Việt Nam". Phía dưới góc trái phù điêu có hình biểu tượng mặt trời, thể hiện sự trường tồn. 

Xung quanh phần mộ có 17 cây hoa mẫu đơn, 4 mùa hoa nở đỏ thắm, tượng trưng cho số tuổi của Lý Tự Trọng. 

Nhà hữu vu là nơi để đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ khách tham quan soạn lễ. Đối diện công trình này là nhà tả vu. 

Phòng trưng bày mang tên "Lý Tự Trọng và quê hương Hà Tĩnh" nằm trong nhà văn hóa, diện tích khoảng 80 m2. Tại đây trưng bày gần 100 hình ảnh, tài liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, quá trình quy tập hài cốt của Lý Tự Trọng. Bên cạnh còn có hình các địa danh lịch sử, sự kiện, nhân vật lịch sử của Hà Tĩnh qua các cuộc chiến tranh. 

Tượng Lý Tự Trọng đặt trên bệ gỗ, được thực hiện trên chất liệu formex, cao 1,6 m, tương ứng với kích cỡ người thật, nói về quá trình ông hoạt động cách mạng tại Sài Gòn lúc 16-17 tuổi. 

Trên ảnh là hình một số nhân vật lịch sử và địa danh gắn liền với quá trình học tập và hoạt động cách mạng của vị anh hùng trẻ tuổi. 

Cách khu tưởng niệm khoảng 50 m là nhà thờ dòng họ, hoàn thành năm 1995, được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2004, đang thờ tự Lý Tự Trọng và hai cụ thân sinh. 

Khu tưởng niệm "mặt hướng thủy, lưng tựa sơn", nơi thờ tự hướng ra sông Cầu Sông thơ mộng hữu tình. 

Mỗi năm, nơi đây đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương. Ban quản lý đang kêu gọi các nguồn lực để bổ sung, xây dựng thêm một số hạng mục, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc đón tiếp khách và chăm sóc khuôn viên.

Đức Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét