Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp đến thôn Lập Thành, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, tham dự nghi lễ Then “pang” cho bà Hoàng Thị Lả, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Nghi lễ được diễn ra 3 ngày 2 đêm trong không gian văn hóa nhà sàn của người Tày ở xã Làng Giàng còn gọi là “đại pang”. Then “pang” là nghi lễ độc đáo của dân tộc Tày nằm trong thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Không chính thức hành lễ, được mời tham dự, thầy Then nổi tiếng trong cộng đồng người Tày ở đất Văn Bàn - Chu Hồng Phương cho biết: Đây là nghi lễ cấp sắc cho thầy Then nhưng ở bậc dưới thầy then, tiếng Tày còn gọi là thầy “mất”, để phân ngôi thứ bậc trong các thầy then… Thầy Then hát then với đàn tính, còn thầy mất hát then theo khèn và pí lào (sáo lào). Trong di sản Then có rất nhiều nghi lễ thể hiện nét văn hóa truyền thống độc đáo rất riêng của đồng bào Tày, trong đó có nghi lễ Then “pang” hay còn gọi là “lẩu pang”. Then là câu chuyện kể không có hồi kết thông qua lời hát của thầy Then, thầy mất. Thế nên nghi lễ diễn ra, người làm Then hát cả đêm không hết, bao giờ hát xin được vía mới thôi…
Bà Hoàng Thị Lả hát mời quan xuống chứng giám lễ pang.
Để tổ chức lễ Then pang, gia chủ phải chuẩn bị một cỗ hoa thật rực rỡ màu sắc, dựng trên nhà sàn, làm bằng tre nứa và treo các lễ vật xung quanh như: rau bò khai quấn cả dây xung quang, treo những hình trang trí đủ màu sắc từ tranh cắt giấy mô phỏng chim, cá; treo trứng nhuộm màu hồng và những sản vật địa phương như: cây măng bói, củ đao, củ mài, cây chuối, bí xanh… Cỗ hoa rất quan trọng trong nghi lễ Then “pang” bởi mọi hoạt động hát Then đều diễn ra quanh cỗ hoa. Đó là không gian được làm bằng tre nứa, hình chữ nhật để treo trang trí bên ngoài, bên trong có bày một đĩa gạo, một ít muối trắng và 2 chén rượu, 2 chén nước.
Cỗ hoa được trang trí rất cầu kỳ trong lễ Then pang.
Ngoài cỗ hoa, gia chủ còn trang trí một bàn thờ để cúng lễ, thầy Then và các thầy phụ cho thầy Then, thầy mất sẽ cúng lễ ở gian thờ này và hạn chế khách đến dự vào nơi linh thiêng này. Sau màn hát múa Then quanh cỗ hoa, thầy Then, thầy mất và thầy phụ cùng nhau cúng lễ tại gian thờ đó. Đồng thời, gian bên cạnh có treo những cành lá cây hái trên rừng về, tượng trưng là nơi để cỏ cho rồng, cho ngựa của các Quan, các Tào ở Mường trời - tiếng Tày còn gọi là “boóc va”.
Đội nhạc hỗ trợ trong lúc thực hành Then pang.
Để cúng lễ, gia chủ còn phải chuẩn bị 4 mâm cỗ cúng, 2 mâm phủ khăn đỏ còn gọi là mâm “nàng han”, có nghĩa là mâm trời; còn 2 mâm phủ khăn đen, còn gọi là mâm “ruộng”, dành cho quân binh của nhà Then, nhà mất. Đây là mâm lễ mặn để dâng lên các quan, các Tào trong đêm thứ 2 hành lễ, sau khi đã hết phần trình diễn hát múa quanh cỗ hoa…
Gian treo cây rừng tượng trưng cho cỏ ngựa, cỏ rồng.
Lễ Then “pang” diễn ra trong 3 ngày 2 đêm, thường thì ngày thứ nhất gia chủ chuẩn bị mọi vật chất, điều kiện để tổ chức lễ, ngày thứ 2 diễn ra lễ chính. Để lên tới Mường trời, phải từ mường đất và mường trung gian, do vậy, nghi lễ kéo dài trong 3 ngày. Đêm thứ nhất – tiếng Tày gọi là “tỏn tang” có nghĩa là hát phát đường lên “Mường trời”… Còn đêm thứ 2, mang cỗ mặn trình lên, sẽ diễn ra nghi lễ hát then từ chiều đến hết đêm tới rạng sáng ngày thứ 3. Trình diễn các bài hát đi qua 12 cửa quan để tới Mường trời, trình quan Nam Tào xuống chứng lễ, chứng pang cho gia chủ mới được “cấp sắc” để sau này đi làm then trong cộng đồng dân tộc mình.
Lê Thanh Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét