Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Đôi điều về địa danh Khánh Hưng

Trong kho tàng địa danh của tỉnh Sóc Trăng, tên gọi Khánh Hưng tuy chính quyền sở tại xưa kia ít sử dụng trong các văn bản hành chính nhưng nó đã sớm quen thuộc và gần gũi với người dân địa phương.

Lật lại từng trang sử trên vùng đất này cho thấy, khi mà toàn bộ “lãnh thổ” Sóc Trăng còn chìm dưới mặt thủy triều, có chăng là những giồng cát lẻ loi nhấp nhô trên mặt nước - Đó là giồng Srock Khleang (trung tâm tỉnh lỵ) cùng với các giồng cát bao bọc xung quanh: giồng M’hatup (Mã Tộc – Bãi Xàu), giồng T’roi tum (Trà Tim), giồng Kompong Trop (Bưng Tróp – Chông Nô), giồng Sầng ke (Trường Khánh), giồng Phnoroka – Khsăk (Vũng Thơm – Kế Sách)… Vô hình trung thiên nhiên ban tặng cho giồng Srock Khleang thành trung tâm cư trú của những dòng người từ phương xa đến khai cơ lập nghiệp. 

Khánh Hưng (Sóc Trăng) năm 1961. Ảnh: Howard Sochurek. Sưu tập của Mạnh Hải trên Flickr

Từ vùng đất không có dấu chân người, ở nơi giồng cát trung tâm ngày nào dần dần trở thành nơi quy tụ của những người dân tứ xứ tìm phương sinh sống. Mực thủy triều rút đến đâu, họ phát quang đến đó, diện tích đất giồng ngày càng được mở rộng. Ở những nơi giồng đất cao thì trồng rẫy, cấy lúa, nơi đất thấp thì lên liếp làm vườn trồng cây ăn trái. Do địa thế “sông sâu, nước chảy” nên phù sa hàng năm bồi đắp trong điều kiện đất đai đã được phát quang càng làm cho vùng đất mới trở nên màu mỡ hơn. Cây trái tươi tốt, ruộng lúa phì nhiêu, sản vật (đặc sản) của địa phương được khai thác là tiền đề hội tụ dân cư tứ xứ tìm tới cho công cuộc mưu sinh. Người đến trước, người theo sau theo ý thức “tầm phương sinh kế”, dần dần vùng đất giồng trung tâm Srock Khleang trở nên đông đúc, làng mạc, xóm ấp dần dần hình thành. Là vùng đất cộng cư của 3 dân tộc anh em nên cách gọi về vùng đất mới cũng có cách “phát âm” khác nhau. Những tên gọi Ba Thắc, Srock Khleang, Sóc Trăng, Nguyệt Giang, Khánh Hưng… dần xuất hiện trong quá trình phát triển của vùng đất mới. 

Theo sử liệu, chợ Sóc Trăng hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVIII khi thương cảng Ba Thắc - Bãi Xàu bắt đầu suy vong. Các nhà buôn ở thương cảng Bãi Xàu chuyển dần về trung tâm Sóc Trăng để hình thành trung tâm thương mại bề thế sau này. Trong quyển “Hậu Giang – Ba Thắc”, học giả Vương Hồng Sển ghi lại: “Nguyên chợ Sóc Trăng được xây dựng trên một giồng cát bao la đứng giữa nhiều giồng cát khác bủa vây 8 hướng không khác chưn cẳng một con nhện khổng lồ và mỗi đầu giồng nhỏ ấy là một chợ búa đặc sắc có mỗi món ăn hấp dẫn…”. Đó là chợ Trường Kế, chợ Bố Thảo, chợ Vũng Thơm – Phú Nổ, chợ Bang Long – Giếng nước, chợ Bãi Xàu, chợ Chroi tum (Trà Tim)… Chợ trung tâm Sóc Trăng xưa kia vẫn là dãy nhà dài, mái thấp nhưng trong nhà lồng chợ thì rộng rãi. Rải rác chung quanh nhà lồng là những căn tiệm tạp hóa, sạp khô, gạo… Con rạch nhỏ (sau này gọi là kinh Cô Bắc) là nơi lên xuống hàng hóa. Từ một khu chợ với diện tích vài trăm mét vuông dần dần được mở rộng ra theo nhu cầu buôn bán của thị trường. Đến những năm giữa thế kỷ XIX, khi chính quyền thực dân cho đào kênh Maspéro nối liền tuyến đường thủy Sóc Trăng – Ngã Bảy, đào kênh Cầu Bon tạo thế lưu thông đường thủy nội thành thì trung tâm thương mại Sóc Trăng càng được mở rộng. Dãy nhà vựa trên kênh Cầu Bon, các dãy nhà phố 10 căn vội vã hình thành phục vụ nhu cầu buôn bán của các thương nhân. 

Hiện nay nhiều công trình ở Sóc Trăng mang tên Khánh Hưng. Ảnh: hotel84.com

Ngày 22-10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh số 143-NV để “thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam”. Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Lúc này, tên Sóc Trăng được thay bằng tên cũ Ba Xuyên, tỉnh lỵ đặt tại Sóc Trăng nhưng lúc này lại đổi tên là Khánh Hưng. Tỉnh lỵ Khánh Hưng lấy theo tên xã Khánh Hưng thuộc quận Châu Thành (sau năm 1958 là quận Mỹ Xuyên) vốn là nơi đặt tỉnh lỵ tỉnh Ba Xuyên. Lúc này địa bàn tỉnh lỵ Khánh Hưng bao gồm 18 ấp trực thuộc: Khánh Bình, Khánh Thành, Khánh Bạch, Khánh Vĩnh, Khánh Diệu, Khánh Tâm, Khánh Hùng, Khánh Hòa, Khánh Quang, Khánh Sơn, Nhà Việc, Giồng, Chông Chát, Kho Dầu, Sung Đinh 1, Sung Đinh 2, Kênh Sáng, Tự Do. 

Trải qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi, những tên gọi - địa danh xưa dần dần thay đổi hoặc mất đi. Những tên gọi: Đình làng Khánh Hưng, Nhà việc Khánh Hưng, chợ Khánh Hưng… giờ ít còn được nhắc tới. Có chăng là những nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh cũng còn ít nhiều hoài cổ khi đặt lại tên xưa: Khánh Hưng! 

Thiên Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét