Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

“Ôi Lôi” - một địa danh làm "đau đầu" bao thế hệ

Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Sóc Trăng, vùng đất Giang Cơ - Trường Khánh vốn là nơi sinh sống cộng cư lâu đời của 3 dân tộc anh em: Kinh - Khmer - Hoa. Trong tiến trình lịch sử phát triển, sự giao thoa văn hóa của 3 dân tộc anh em thể hiện rõ nét trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Điều đó được thể hiện qua các sinh hoạt thường ngày: trong tết cổ truyền, trong các lễ hội, trong lao động sản xuất, trong ẩm thực, trong phương ngữ... trong đó, địa danh thể hiện sự giao thoa khá rõ nét.

Xã Trường Khánh ngày nay. Ảnh: mapio.net

Trước kia, địa danh “Sầng Ke” là tên gọi đầu tiên của vùng đất Giang Cơ - Trường Khánh. “Sầng Ke” - theo cách gọi của bà con Khmer để chỉ cây trâm bầu, một loại cây thân gỗ cả vùng Sóc Trăng nơi nào cũng có. Từ “Sầng Ke” được người dân bản địa phát âm dần dần thành Giang Cơ (hay Giăng Cơ). Mãi đến đầu thế kỷ XX, tên Trường Khánh mới được đưa vào văn bản hành chánh: làng Trường Khánh thuộc tổng Nhiêu Khánh. Vùng đất Giang Cơ - Trường Khánh chỉ có 2 làng: làng Trường Kế và làng Ôi Lôi. Trên con rạch Giang Cơ một bên bờ Nam thuộc làng Ôi Lôi, còn bên kia thuộc về Trường Kế. Theo các cụ cao niên kể lại, người dân ở làng Trường Kế có cuộc sống sung túc vì “thừa hưởng” được chợ Giang Cơ - một trong những khu thương mại ngang tầm với Bố Thảo, Phú Lộc, Vũng Thơm... Còn người dân làng Ôi Lôi đa số là tá điền, người lao động tự do làm thuê nên cuộc sống người dân phần lớn cơ cực. 

Nói đến địa danh Giang Cơ – Trường Khánh là phải nhắc đến địa danh Ôi Lôi - một trong những địa danh của tỉnh Sóc Trăng đã làm “đau đầu” bao thế hệ ra công tìm hiểu. Về mặt phương ngữ, người ta băn khoăn: Ôi Lôi hay Oi Loi? Nhất là tên gọi Ôi Lôi (Oi Loi) có ý nghĩa gì? Nếu “Sầng Ke” là cây trâm bầu, “lum pu” là cây bần, Khdon (bâng Khdon: bưng con Ốc)... thì Ôi Lôi có ý nghĩa là gì? Ngay từ thuở sinh thời, cố học giả Vương Hồng Sển đã bỏ không ít công sức sưu tra hàng trăm trang sách Pháp văn, đã từng gặp gỡ và trao đổi các cụ cao niên đương thời nhưng nguồn gốc ý nghĩa địa danh Ôi Lôi vẫn “bặt vô âm tính”. 

Nhắc đến Ôi Lôi – Trường Kế (nay là Trường Khánh) là nhắc đến một đặc sản nức tiếng một thời của bà con Khmer nơi đây: món “thèo lèo cứt chuột”. Nghe các cụ cao niên ngày trước kể lại: vùng đất Trường Khánh là nơi phát tích món ngon “thèo lèo” nức tiếng khắp miền Nam lúc bấy giờ. Các loại bánh của bà con người Hoa như bánh pía, bánh in, mè láo… làm theo “mùa nào, thức đó”, nhưng riêng “thèo lèo” thì được sản xuất quanh năm. Các đám tiệc “quan - hôn - tang - tế”, thèo lèo đều được dâng cúng trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Rồi uống trà quạu nhâm nhi với thèo lèo là một trong những thú vui của người xưa. Nhưng vì sao bà con xưa kia lại gọi “thèo lèo cứt chuột”, một tên gọi ghê ghê của một món ăn rất ngon này? Khi đặt “vấn đề” này với các cụ cao niên nơi đây đều nhận cái lắc đầu: bó tay! 

Trải qua bao thăng trầm biến đổi, tên gọi Ôi Lôi chân chất ngày nào đã dần dần biến mất theo xu hướng phát triển của nhân loại. Những ngôi nhà “cột tre, vách lá” lụp xụp, con lộ nhỏ lầy lội ngày nào cũng đã dần biến mất trong tiến trình thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đang được toàn Đảng, toàn dân ra sức thực hiện. 

THIÊN LÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét