Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Địa danh chùa Luông Bassăc

Chùa Luông Bassăc (còn gọi là chùa Bãi Xàu) tọa lạc tại ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên). Chùa xây trong một khuôn viên rộng rãi và rợp bóng mát cây cổ thụ. Ban đầu chùa có tên là “Wat Luông Bassac” (Bassac là tên gọi vùng Hậu Giang; còn “Wat Luông Bassac” là chùa Vua Bassac).

Chùa Luông Bassăc

Ngoài ra, theo lời kể của Lục cả thì nguồn gốc của chùa còn có liên quan đến truyền thuyết mà người dân quanh vùng vẫn còn lưu truyền: rằng xưa kia có ông Vua Bassac cùng vợ là công chúa nước Lào, do phạm tội nên cùng đoàn tùy tùng chạy trốn về vùng sông Hậu. Nhưng đến cửa Vàm Tấn (Đại Ngãi ngày nay) bị bão lớn nên vợ chồng ông vua và đoàn tùy tùng lạc nhau. Riêng vợ chồng ông vua lạc vào vùng đất Bãi Xàu, lúc đó có tên là Srock Bai-Xau, một nơi vẫn còn là khu rừng rậm, hoang vu, rất ít người cư trú. Vợ chồng ông vua định cư tại đây và ra sức đốn cây, vỡ đất biến nơi đây thành vùng đất trù phú cho đến hôm nay. 

Với đức độ và tài năng của mình, vua đã thu phục được nhân tâm mọi người trong vùng. Khi ông mất, hài cốt ông được dân hỏa táng theo lễ nghi và xây tháp tại chùa Bassac. Nhưng sau đó không lâu chùa Luông Bassac được gọi là chùa Bãi Xàu (gọi theo địa danh Srock Bai-Xau) tức là gọi theo tên vùng đất trước kia (tiếng Khmer có nghĩa là “Sóc Cơm Sống”); người Việt đọc trại thành “Bãi Xàu”. Tên gọi này có liên hệ tới một truyền thuyết về Nàng Chanh mà các nhà sư và người dân trong vùng vẫn truyền tụng đến ngày nay. Ngoài ra, người dân nơi đây còn gọi chùa là “chùa Bốn Mặt” vì ở đây có ngọn tháp tạc tượng thần MahaBrum (Brahma). 

Cũng như các ngôi chùa khác trong tỉnh Sóc Trăng, chùa Luông Bassăc (chùa Bãi Xàu) được xem là trung tâm sinh hoạt văn hóa và tôn giáo của cư dân Khmer trong vùng. Hàng năm đến ngày lễ cúng ông bà Sene Đôn Ta; ngày lễ nhập hạ CholVossa; lễ mãn hạ chinh Vossa; lễ ăn cốm dẹp Oóc Om Bóc; lễ dâng bông Katha; lễ đặt cơm vắt/pzoc chum bân; lễ Phật Đản; lễ cầu an cho Sóc/BunKomSan hay ngày tết cổ truyền vào năm mới Chôl Chnăm Thmây… mọi người tụ họp đến chùa để cùng nhau dự lễ, vui tết sau những ngày làm việc, lao động vất vả. 

LÊ TRÚC VINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét