Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Lưu giữ nét đẹp đình làng

Dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, song mái đình xưa vẫn hiện hữu trong tâm thức và đời sống tín ngưỡng của người dân đất Việt. Ở Quảng Ngãi, hiện vẫn còn nhiều ngôi đình cổ xưa, một trong số đó là đình làng Hổ Tiếu, ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi). 

Linh thiêng chốn đình làng 

Đình làng Hổ Tiếu nằm giữa cánh đồng xanh ngát, những ai đến đây đều đón nhận cảm giác yên bình chốn làng quê. Ở gần đình làng có cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người dân địa phương cho biết đó là cây chim chim. Trong tâm thức của họ, cây gần đình làng rất linh thiêng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử và thiên tai, cây này vẫn sừng sừng tràn đầy nhựa sống. Bởi vậy, chẳng ai dám chặt cây hay tỉa cành, cây tỏa bóng mát, là nơi nghỉ ngơi vào mỗi buổi trưa nắng oi ả của những người dân đi làm đồng. 

Đình làng Hổ Tiếu. 

Dẫn chúng tôi vào tham quan đình, ông Huỳnh Cả, người làng Hổ Tiếu cho biết: Tôi tự nguyện hằng ngày trông coi, lo việc hương khói ở đình. đó là trách nhiệm của người dân trong làng với ước nguyện Thành Hoàng phù hộ cho dân làng sức khỏe, mùa màng bội thu, nuôi dạy con cháu học hành đến nơi đến chốn và trở thành người có ích cho xã hội.

Trải qua thời gian dài, đình làng xuống cấp, nên được trùng tu vào năm 2017. Đình làng vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa. Cột, kèo... là những cây gỗ tròn lớn cổ xưa, còn nguyên vết tích bị cháy xém bởi bom đạn chiến tranh. Đặc biệt, đình vẫn còn giữ được áng thờ bằng gỗ rất hiếm, được chạm khắc tinh xảo theo nghệ thuật của người xưa. 

Ông Cả cho biết thêm: Ngày trước, đình là nơi hội họp của người dân trong làng. Đây còn là nơi thực hành nghi thức tín ngưỡng từ bao đời nay của người dân ở làng Hổ Tiếu. Hằng năm, vào ngày 17 tháng Giêng, người dân trong làng tụ họp về đây làm lễ tế đình. Thành viên Ban tế tự là những người lớn tuổi, có uy tín trong làng. Trong trang phục áo dài khăn đóng, họ thực hành các nghi thức cúng bái một cách trang nghiêm theo truyền thống từ xa xưa. Lễ tế nhằm thể hiện lòng tri ân của dân làng đối với các bậc tiền nhân đã có công lập làng và nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Theo các bậc cao niên, đình làng Hổ Tiếu được xây dựng vào thời Gia Long tại cánh đồng rộng của làng. Đến thời Minh Mạng, đình bị sạt lở, nên phải chuyển đình vào vị trí hiện nay. Đình làng Hổ Tiếu thờ chính là Thành Hoàng, phối thờ Cử Thụy, tiền hiền, hậu hiền... 

Về đình làng nghe chuyện Cử Thụy 

Ông Cao Thanh Hồng, ở làng Hổ Tiếu chia sẻ: Người dân ở đây không chỉ tự hào về truyền thống gìn giữ nét đẹp văn hóa đình làng, mà nơi đây mãi lưu truyền, kính trọng bậc tiền nhân là ông Cử Thụy. Một bên đình làng Hổ Tiếu là mộ của chí sĩ yêu nước Nguyễn Thụy. Ông được chôn cất ở cạnh đình làng là cách để người dân làng Hổ Tiếu bày tỏ lòng tri ân đối bậc hiền tài có công với quê hương, đất nước. 

Áng thờ cổ được lưu giữ ở đình làng Hổ Tiếu được chạm khắc tinh xảo. 

Nguyễn Thụy (Nguyễn Sụy), hiệu Hổ Khê, đỗ cử nhân Khoa Quý Mão 1903. Sau khi đỗ đạt ông không chịu ra làm quan mà ở nhà dạy học. Ông nổi tiếng là người giỏi văn chương, tính tình khẳng khái, cương trực, hiếu thảo và có lòng yêu nước nồng nàn. Ông tham gia phong trào Duy Tân và lãnh đạo phong trào “Cự sưu khất thuế” tại Quảng Ngãi năm 1908.

Phong trào bị đàn áp, ông bị bắt đày đi Côn Đảo. Năm 1914, sau khi mãn hạn tù về quê, ông tham gia Việt Nam Quang Phục Hội, bí mật tổ chức lực lượng chuẩn bị đánh Pháp. Năm 1916, ông và một số chí sĩ yêu nước đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân, riêng ông được giao trách nhiệm lãnh đạo ban chỉ huy ở Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa không thành, các chí sĩ bị đàn áp, bị tầm nã gắt gao.

Biết ông là người hiếu thảo, thực dân Pháp đã bắt mẹ ông và dân làng truy bức. Để cứu mẹ, cứu dân làng và các chí sĩ khác, ông tự đến Phủ đường Tư Nghĩa để nạp mình, nhưng thần sắc vẫn hiên ngang, khẳng khái trước mặt viên tri phủ. Ông bị xử tử tại bãi sông đào (Bắc Thành Quảng Ngãi) ngày 19.5.1916. Thân hào nhân sĩ và đồng bào trong tỉnh bí mật làm lễ truy điệu, để tang chí sĩ yêu nước Nguyễn Thụy, một người mãi là tấm gương sáng về tấm lòng yêu nước nồng nàn để con cháu đời sau noi theo.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét