Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Ông già Ba Tri

 Miền Nam có thành ngữ Ông già Ba Tri để chỉ mấy ông già gân, hổng ngán gì hết!


Ông già Ba Tri

Ông già Ba Tri tên thiệt là Thái Hữu Kiểm, sống ở Ba Tri, Bến Tre từ thế kỷ 18. Năm 1806, ông Kiểm dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, giúp cho dân cư ở khu này mần ăn. Dè đâu mấy cha ở chợ Ngoài đắp đập chặn không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vô chợ Trong. Chợ ế, dân khóc ròng!

Ông Kiểm nổi quạu, kiện lên quan huyện. Hổng biết quan có ăn hối lộ không, mà phán: Sông bên làng xã nó nó đắp đập thây kệ cha nó! Ông Kiểm thua kiện!

Già mà gân, ông Kiểm nói: Kiện lên quan hổng được, lão kiện lên... vua!

Hèm, hồi đó làm gì có internet hay báo chí, nên ổng hổng có lên blog để kêu được, cũng không có báo chí, điện thoại, thư tín cũng không! Con đường chắc chắn nhất để khiếu kiện là... đi bộ ra kinh đô gặp vua.

Các bạn biết từ Ba Tri ra Huế bao xa hông? Theo bản đồ hiện nay với đường sá đàng hoàng là có... 1.035 cây số hà! Mà hồi đó hổng có xe khách chất lượng cao - giường nằm, càng hổng có máy bay. Đoạn đường miền Tây thì sông rạch chằng chịt mà đâu có đủ cầu như bây giờ. Ra tới Trung thì đèo núi cheo leo.

Hồi mấy năm trước, Hai Ẩu có dịp đi Ba Tri. Từ TP Bến Tre đến Ba Tri khoảng 35 km, Hai Ẩu đi bằng xe hơi mà nghe rêm cả mình mẩy vì ổ gà ổ voi quá chừng

Vậy đó, vậy mà ông già Kiểm lặn lội từ Ba Tri ra Bến Tre, ra Mỹ Tho, Sài Gòn... rồi ra tuốt tới đèo Hải Vân, qua đèo để tới Huế. Bái phục ổng thiệt!

Ra tới kinh thành ổng oánh trống thùng thùng đòi gặp vua để kiện. Vua Minh Mạng ra tiếp, hỏi ổng: Khanh ở mô mà ra đến tê?

Ổng nói: Lão ở Ba Tri!

Rồi kể lể nguồn cơn sự việc. Minh Mạng nói: Trẫm pó-tay chấm com với khanh luôn.

Thế rồi vua xử cho ổng thắng kiện. Từ đó, ông Kiểm được tặng cho biệt danh Ông già Ba Tri. Và cũng từ đó thành ngữ Ông già Ba Tri ra đời để chỉ mấy ông già gân, đã chơi là chơi tới bến!
***

Như có kể một phần ở trên, đường đến Ba Tri chả thuận tiện tí nào. Xứ ấy cũng chẳng phải nơi có nhiều thú vui chơi cho những du khách ham dzui như rì-xọot, nhà hàng, khách sạn sang trọng... Thế nhưng Hai Ẩu vẫn muốn dụ các bạn đến đó chơi một lần cho biết. Trước là biết quê hương ông già Ba Tri (tới đó, bạn sẽ gặp ông già Ba Tri, bà già Ba Tri, chàng trai Ba Tri, cô gái Ba Tri, thằng nhỏ Ba Tri...). Sau là... sẽ là một điều bất ngờ đối với bạn.

Đó là thế này: Cái huyện Ba Tri nhỏ bé ở miền xa heo hút ấy có đến 3 ngôi mộ của 3 vị danh nhân văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam!


Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu

Mộ Nguyễn Đình Chiểu và phu nhân (mộ ông bên trái)

Một là lăng mộ và đền thờ cụ Đồ Chiểu. Cùng với mộ Nguyễn Đình Chiểu là mộ vợ và con gái ông (nữ sĩ Sương Nguyệt Anh)



Lăng Võ Trường Toản

Hai là lăng mộ và đền thờ của nhà giáo Võ Trường Toản.


Mộ Phan Thanh Giản

Và ba là mộ của quan đại thần Phan Thanh Giản.


Nếu thăm các di tích và tỏ lòng kính ngưỡng với tiền nhân chưa đủ hấp dẫn với bạn, thì xin giới thiệu với bạn thêm một điểm du lịch sinh tháiSân chim Vàm Hồ ở Ba Tri.



A, sân chim này xin được giới thiệu chi tiết hơn trong một bài viết khác nhé!

PHN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét