Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Đồng Nai, mảnh đất rồng nằm

Hà Nội có Thăng Long, Quảng Ninh có Hạ Long, còn Đồng Nai có Long Ẩn...


Đồng Nai gắn liền với con sông cùng tên, đây là con sông lớn thứ nhì miền Nam (sau Cửu Long). Điều đặc biệt là đây là con sông lớn mà từ thượng nguồn đến hạ nguồn đều nằm trọn trong lãnh thổ Việt Nam. 

Sông Đồng Nai dài 586 km, khởi nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) và đổ ra biển ở Cần Giờ (TPHCM), đi qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố HCM - nếu kể cả phụ lưu của sông Đồng Nai là sông Vàm Cỏ thì con sông này còn chảy qua Long An. (Sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam, Trung quốc, còn sông Cửu Long cũng bắt nguồn từ Trung quốc, chảy qua Lào, Thái Lan, Myanmar, Camphuchia trước khi đổ ra biển ở Việt Nam).

Ngày xưa ấy, sông Đồng Nai có tên là Phước Long Giang (theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức), nghĩa là con sông rồng mang phước đến cho vùng đất này.

Sông Đồng Nai và Bửu Long 

Rồng nằm ở đâu?

Trên trường giang 586 km này, Rồng nằm ở đoạn sông chảy qua Biên Hòa, Đồng Nai.
Đầu rồng ở khu du lịch Bửu Long. Ở đó có 2 ngọn núi: Long Ẩn (nơi khai thác đá) và Bình Điện (có Bửu Phong cổ tự). Người xưa nói rằng núi Long Ẩn là đầu rồng, núi Bình Điện là trái ngọc châu.

Tư thế rồng nằm quay đầu về hướng Bắc, ngậm trái ngọc châu Bình Điện.


Bửu Long


Từ Bửu Long chạy về trung tâm TP Biên Hòa, qua Tân Ba, Hóa An... có những gò nhấp nhô là thân rồng, vẩy rồngĐuôi rồng nhô lên thành ngọn núi Châu Thới. (về địa giới hành chính, Châu Thới thuộc tỉnh Bình Dương, nhưng về vị trí địa lý Châu Thới ở sát ngay Biên Hòa và cách Thủ Dầu Một của Bình Dương đến gần 30 km).

Núi Châu Thới nhìn từ trung tâm TP Biên Hòa

  Núi Châu Thới nhìn từ trung tâm bờ sông Đồng Nai

Đầu rồng là nơi tôn quý, vì thế nơi đây đã được chọn xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Đây là Văn miếu đầu tiên của xứ Đàng Trong, được xây dựng năm 1715, được khôi phục lại năm 1998.

Và cũng từ con sông Đồng Nai này, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã viết nên những câu thơ:

Người từ trăm năm
Về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng

để rồi Phạm Duy phổ nhạc thành bài Thà như giọt mưa

Người từ trăm năm
Về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
ta ngoắc mòn tay
chỉ thấy sông lồng lộng
chỉ thấy sông chập chùng.... 
 
Cò trên sông Đồng Nai

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét