Thác Draysap trên dòng sông Srepok - Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Dòng sông, là nơi con nước chảy. Nhưng dòng sông mỗi nơi mỗi khác. Nếu Tiền giang, Hậu giang nơi miền Tây Nam bộ êm ả hiền hòa bồi đắp phù sa thì những dòng sông Tây nguyên như Sêrêpốk, Sêsan luôn gầm rú qua bao thác ghềnh như người Tây nguyên với sức sống cuồn cuộn, mãnh liệt.
Nếu bạn đã một lần đến thành phố Buôn Ma Thuột, ắt hẳn bạn phải đi qua dòng sông Sê-rê-pốk (Srepok), qua chiếc cầu bắc ngang sông để bước vào thành phố. Nếu bạn đã từng đến Buôn Đôn, ngủ đêm trên nhà sàn bên dòng sông Sê-rê-pốk, bạn sẽ nghe tiếng dòng sông ì ầm gầm rú giữa đêm trường như tiếng thét hoang dã của núi rừng Tây nguyên. Nếu bạn đến những ngọn thác nổi tiếng của Ban Mê như Draysap, Krong Ma... bạn sẽ thấy được những kiệt tác hùng vĩ mà dòng sông đã tạo nên trên con đường đi của mình.
Cỡi voi trên sông Sêrêpốk. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Điều đó hoàn toàn khác khi bạn du lịch trên dòng sông Tiền hay sông Hậu. Dòng sông êm ả không hề có thác ghềnh. Bạn sẽ đi trên những con đò nhỏ, len lách qua những con rạch nên thơ rợp bóng dừa nước, nghe văng vẳng đâu đây câu hò hay lời ca vọng cổ....
Du lịch trên sông Tiền - Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Ngược dòng rồi Sê-rê-pốk sẽ chảy đến đâu?
Sê-rê-pốk chảy theo hướng Tây Bắc rồi hướng Tây, đến tỉnh Stung Treng của Campuchia thì nó hòa cùng hai dòng sông khác là Sêkông (bắt nguồn từ bên Lào) và Sê-san (cũng là một dòng sông chảy ngược khác của Việt Nam, bắt nguồn ở Kontum - Pleiku) và đổ vào con sông lớn. Con sông lớn đó chính là... sông Mê-kông.
Dòng sông Mê-kông - đến lượt mình - lại miệt mài chảy theo hướng Đông Nam để quay lại Việt Nam, đổ ra biển Đông bởi hai dòng sông Tiền và sông Hậu.
Như vậy dòng Sê-rê-pốk hung hăng chảy ngược và dòng Tiền giang - Hậu giang hiền hòa chảy xuôi chính là một! Ít nhất là cùng một mẹ Mê-kông!
Sông Srepok ở góc dưới bên phải, không chảy ra biển Đông mà chảy ngược sang Campuchia. rồi lại hòa vào sông Mekong để chảy ra sông Tiền, sông Hậu.
Bạn có thấy điều này là kỳ diệu không? Nếu có, sao bạn không làm một chuyến phiêu lưu đến miền Tây Nam bộ sông nước hiền hòa, rồi ngược lên Tây Bắc đến Tây nguyên hùng vĩ đại ngàn để tận hưởng sự kỳ diệu đó?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét