Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Tháng tám, về thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Ngày 20-8-2020 đánh dấu kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác Tôn – cách người dân An Giang thương mến gọi Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980). Dù Người đã xa khuất, nhưng ở vùng quê Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang), từng kỷ vật, từng dấu ấn của Người vẫn còn đang được lưu giữ cẩn thận. Tháng tám, quê Bác đẹp và bình yên vô cùng!


Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Chủ tịch nước thứ hai và cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi Bác Tôn là “tấm gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Bác Tôn là biểu tượng cho hình ảnh đồng bào miền Nam trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác cũng là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng vào năm 1958. Hình ảnh của Bác được đặt trang trọng trong khu lưu niệm. 


Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có tổng diện tích hơn 3000 m2, tọa lạc tại cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng), bên dòng sông Hậu hiền hòa. Ngày 17-7-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về dự lễ chào mừng kỷ niệm 124 năm ngày sinh Bác Tôn và trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Tại đây, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng, như: ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn, mô hình nhà sàn Bác Tôn tại An toàn khu (ATK), chuyên cơ YAK 40, ca nô Giải Phóng, tàu Giang cảnh… 


Ngôi nhà sàn do ông Tôn Văn Đề (thân sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng) dựng năm 1887, trên nền đất hương hỏa dòng họ Tôn. Năm 1888, Bác Tôn sinh ra tại ngôi nhà này và sống ở đây suốt thời niên thiếu, đến khi rời quê lên Sài Gòn học nghề (năm 1906). Nhà được xây dựng theo kiểu nhà Nam Bộ, vững chắc, nhưng hết sức mộc mạc, giản dị, ít chạm trổ cầu kỳ. Trong ngôi nhà này vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc, như: 2 tấm ảnh bán thân của song thân Bác Tôn, một bộ ngựa gõ mà Bác Tôn thường nằm lúc còn niên thiếu, một tủ thờ cẩn ốc xà cừ, các tấm liễn đối cẩn ốc… Phía sau căn nhà còn có khu mộ chí, vườn cây. 


Từng đồ vật ở nhà sàn vẫn được giữ gìn vẹn nguyên như ngày Bác Tôn rời quê, đậm hồn người miền Tây sông nước. Từ chiếc gáo dừa múc nước trên lu khạp… 


… đến bộ tách trà được gia đình Bác Tôn dùng để tiếp khách. Miệng vòi không còn nguyên vẹn, hoa văn trên thân ấm trà phai dần theo năm tháng, nhưng lại chất chứa đầy kỷ niệm của người xưa. 


Một góc nhà sàn nơi Bác Tôn đã từng sinh sống thuở nhỏ. Tôi chợt nhớ câu chuyện 45 phút Bác Tôn về thăm quê lần cuối cùng (tháng 10-1975): “Ngày về lại quê hương khi vào nhà, bà con láng giềng đến đứng ngồi chật ních cả nhà, chật cả sân. Vừa trò chuyện với bà con, Bác vừa ngắm nghía đồ vật trong nhà, hỏi từng người, tuổi tác, con cái, công việc làm ăn… Tưởng như con người đang ngồi đó không phải là Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng, mà chỉ là ông Hai, bác Hai, anh Hai Thắng đang đoàn tụ cùng gia đình dòng tộc, sau sáu bảy mươi năm biền biệt xa nhau…” (Đạo lý Bác Tôn – Vẻ đẹp cội nguồn, Mai Văn Tạo). 


Lần thăm nhà ấy, Bác Tôn di chuyển từ Hà Nội đến Long Xuyên, lại phải qua con sông Hậu mới về tới cù lao Mỹ Hòa Hưng, trên chiếc tàu Giang cảnh. Năm 2010, với sự trợ giúp về bản vẽ kỹ thuật và trực tiếp chỉ huy thi công của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hoàng (người lái chiếc Giang cảnh đưa Bác Tôn về quê), Phòng Kỹ thuật Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã phục chế thành công tàu Giang cảnh để đưa vào Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho mọi người tham quan. 


Rất nhiều hình ảnh, tư liệu và hiện vật (gốc lẫn phục chế) về Bác Tôn được trưng bày tại Khu lưu niệm. Qua đó, tái hiện lại cuộc đời đấu tranh cách mạng của Bác Tôn, một tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của một chiến sĩ cộng sản. Đó là lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, tinh thần dũng cảm, bất khuất, phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân. Cùng với đó là đức tính, phong cách giản dị, khiêm tốn, nhân hậu và thủy chung, ngay cả khi Bác ở vị trí cao nhất nước. 


Đây là một hiện vật gắn liền với đức tính giản dị, khiêm tốn của Người. Chiếc xe đạp này, Bác Tôn sử dụng để tập thể dục, đi làm, dù tuổi cao, chức vụ lớn. Đi thăm bạn bè ở gần nhà, Bác Tôn cũng đạp xe, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa để tiết kiệm công quỹ. Xe hư, Bác tự mình sửa chữa, bởi Bác vốn là một thợ máy lành nghề. 


Khuôn viên của Khu lưu niệm rất rộng rãi, thoáng mát và bình yên. Hệ thống điểm tham quan được bố trí phù hợp, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Trong ảnh là mô hình nhà An toàn khu – nơi Bác Tôn ở và làm việc từ cuối năm 1952 đến tháng 7-1954, tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). 


Những ngày này, trước đền thờ, một rạp lớn được dựng lên, nhằm tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, như: trưng bày bộ ảnh chuyên đề “Bác Tôn với Quân đội nhân dân Việt Nam”; tổng kết và trao giải “Thiếu nhi cù lao ông Hổ với Bác Tôn” lần II; hội thi chưng mâm ngũ quả; đêm văn nghệ phục vụ nhân dân; lễ mít tinh chào mừng... 


Chuyên cơ YAK-40, ký hiệu VNA.452 của Hàng không Việt Nam đã đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) để chủ trì Đại lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 15-5-1975. Sau đó, chuyên cơ được đưa từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) về Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hoàn thành lắp đặt vào ngày 28-7-2007, được trưng bày trong khuôn viên khu lưu niệm. Ban Quản lý Khu lưu niệm vừa hoàn thành trùng tu, sửa chữa chuyên cơ, để khách tham quan có thể vào bên trong trải nghiệm (thay vì chỉ đứng ngắm từ bên ngoài như trước). 



Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành một địa điểm lưu niệm quan trọng về Bác, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao của người dân An Giang trong các ngày lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước. Những hoạt động diễn ra ở đây mang tính chất thường kỳ, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8, rất nhiều đoàn thể, địa phương, đơn vị tổ chức về nguồn, ôn lại truyền thống lịch sử quê hương và cuộc đời cách mạng, tấm gương mẫu mực của Bác Tôn; tham quan Khu lưu niệm, chơi trò chơi dân gian, vẽ tranh... Tiếng cười rộn rã, vui tươi luôn vang lên không ngớt. 


Phía tiếp giáp bờ sông Hậu, Khu lưu niệm xây dựng một chiếc cổng to, hai bên là hai ông Hổ đứng trấn giữ, như tên gọi “Cù lao Ông Hổ” của xã Mỹ Hòa Hưng. Người xưa gọi thế vì giai thoại: đã từng xuất hiện chú hổ tình nghĩa, sống gắn bó với dân làng thuở khai thiên lập địa. Nơi ấy, đã nuôi dưỡng tính cách và con người Chủ tịch Tôn Đức Thắng – anh Hai Thắng, Bác Tôn. Đời sau mãi mãi nhớ đến Người, như cảm tác của nhà điêu khắc Lê Văn Dân: “Vũ khúc Ô Môi tiễn biệt Người/ Cù lao Ông Hổ mãi xanh tươi/ Biển Đen cờ đỏ vàng sao rợp/ Bến cũ Ô Môi vẫn đợi người”... 

GIA KHÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét