Ở Bình Định có Bảo tàng Quang Trung. Ở Bảo tàng Quang Trung có biểu diễn trống trận Tây Sơn.
Bảo tàng Quang Trung - Ảnh: PHN năm 2010
Chắc các bạn đã nghe nói về trống trận Tây Sơn? Đó là một loại nghệ thuật – võ thuật kỳ diệu. Truyền thuyết kể rằng trong trận Hà Hồi – Ngọc Hồi, tiếng trống trận Tây Sơn âm vang trong đêm đã làm kinh hoàng bạt vía quân tướng nhà Thanh, ngỡ như muôn vạn binh tướng nhà Trời đang tiến công.
Là một người gốc gác Bình Định, lại tôn thờ vua Quang Trung như một thần tượng từ thuở còn thơ, nên khi về đến Bình Định tôi tìm đến Bảo tàng Quang Trung để chiêm ngưỡng lại chiến công oai hùng của vị anh hùng dân tộc, và để nghe tận tai trống trận Tây Sơn.
Trống trận Tây Sơn được biểu diễn bởi nữ nghệ nhân Nguyễn thị Thuận, truyền nhân cuối cùng của môn nghệ thuật – võ thuật này. Bà biểu diễn ba bài trống Xuất quân, Công thành và Khải hoàn.
Chưa bao giờ tôi có cảm giác phấn khích tột cùng khi nghe biểu diễn như vậy. Máu nóng như rần rật chảy trong người, tim đập mạnh như muốn gào lên xung trận. Bao nhiêu hồn thiêng sông núi, bao nhiêu trang sử hào hùng như diễn ra hoành tráng trước mắt, bên tai…
Không chỉ là biểu diễn trống trận, buổi diễn còn có những màn võ thuật Tây Sơn – môn võ đã đem lại bao chiến công hiển hách cho dân tộc. Và kết thúc là một điệu múa của người dân tộc Tây nguyên trong cảnh thanh bình, của những người đã nuôi nấng đoàn quân áo vải trong những ngày khởi nghĩa…
---
Nghệ nhân Nguyễn thị Thuận
Lần sau đó, tôi về Bình Định cùng ba tôi và một cậu em. Tôi quyết phải đưa ông và cậu nhỏ tới Bảo tàng Quang Trung để tìm về niềm tự hào dân tộc, để nghe trống trận Tây Sơn.
Tiếc thay, chúng tôi đến vào một ngày thường, bảo tàng vắng khách. Anh hướng dẫn viên vẫn nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi những di tích ở bảo tàng, những trang sử hào hùng chói lọi… Nhưng không có biểu diễn trống trận, võ Tây sơn và múa dân tộc. Bởi vì theo chương trình thì không có biểu diễn vào ngày này, và bởi vì chỉ có 3 vị khách!
Tôi nài nỉ, vì lâu lắm mới có dịp về đất võ.
Anh hướng dẫn viên suy nghĩ và quyết định đồng ý tổ chức chương trình biểu diễn cho khán giả là 3 người chúng tôi. Bạn có thấy tôi là người hạnh phúc không?
Một lần nữa, tôi được sống trong chất men say hào hùng của lịch sử, cùng với ba tôi (là người gốc Bình Định).
Biểu diễn trống trận Tây Sơn
Biểu diễn võ thuật Bình Định
Múa biểu diễn sinh hoạt của người vùng cao
---
Bạn có biết rằng buổi biểu diễn ấy cần đến khoảng 15 người, diễn ra trên sân khấu với đầy đủ vũ khí, nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng, với những con nhà võ chuyên nghiệp và với một nghệ nhân được coi là độc nhất vô nhị không? Bạn có biết rằng họ chỉ đề nghị tôi chi một khoản tiền nhỏ để bồi dưỡng cho những người tham gia thực hiện không?Bạn hãy đoán đi, họ “xin” chúng tôi bao nhiêu tiền?
150.000 đ bạn ạ! Xin được viết bằng chữ cho rõ: Một trăm năm chục ngàn đồng Việt Nam!
Xin được không so sánh với cát-sê của một ca sĩ “ngôi sao” khoảng trên chục triệu đồng cho một bài hát. Không dám tội nghiệp hay thương hại cho những nghệ nhân đất võ, vì có lẽ họ cũng chẳng cần chúng ta thương hại. Tôi xin nhường lại phần suy nghĩ cho bạn.
Điều cuối cùng tôi muốn nhắn gửi đến các bạn là: Khi nào có dịp về Bình Định, bạn hãy đến, phải đến Bảo tàng Quang Trung để tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc, để nghe trống trận Tây Sơn nhé bạn!
Phạm Hoài Nhân
Sự kiện và hình ảnh trong bài diễn ra năm 2003.
Ảnh bảo tàng Quang Trung năm 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét