Một đời làm quan liêm khiết, trung kiên, sau 3 lần dâng sớ can vua không được, Ngự sử đại phu Trương Đỗ đã treo mũ từ quan về quê dạy học.
Đàn thiện Phù Tải đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2004
3 lần khuyên vua không thành
Theo những tài liệu lịch sử, Trương Đỗ là người xã Phù Tải, huyện Vĩnh Lại, nay là thôn Phù Tải 2, xã Thanh Giang (Thanh Miện). Không ai rõ năm sinh, năm mất của ông, chỉ biết ông là người văn võ song toàn, thi đỗ tiến sĩ vào thời vua Trần Nghệ Tông (1321-1394). Ông làm quan tới chức Ngự sử đài tư giám đình úy tự khanh trung đô phủ tổng quản, thường gọi là Ngự sử đại phu Trương Đỗ. Suốt đời làm quan, ông luôn sống liêm khiết, giản dị, nghèo túng.
Vào năm 1377, nước ta bị Chế Bồng Nga là vua Chiêm Thành thường xuyên đem quân quấy phá. Vua Trần Duệ Tông mới lên ngôi đã quyết định thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trương Đỗ đã 3 lần can ngăn. Ông đã nói: "Chiêm Thành chống lệnh tội cũng chưa đáng phải giết. Song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính, giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó tự đến thần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn".
Có cái nhìn chiến lược, giữ gìn cương thường đạo lý vua tôi, Tiến sĩ Trương Đỗ đã khuyên vua chỉ cần sai tướng đi đánh chứ không cần vua phải đích thân đi chinh phạt. Tuy nhiên nhà vua không nghe theo, ngày 23 tháng giêng năm 1377, vua Trần Duệ Tông thân chinh đem đại quân đi chinh phạt Chiêm Thành nhưng thất bại, nhà vua bị tử trận. 3 lần dâng sớ can vua không được, Trương Đỗ treo mũ từ quan về quê dạy học.
Thân thế và sự nghiệp của ông đã được ghi chép lại tương đối rõ ràng trong sử sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lê Quý Đôn toàn tập... Trong tập II Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đã dành cho ông sự cảm phục sâu sắc:
"Nói về nước ta, thì triều nhà Trần có 5 người:
- Chu Văn An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều, ngoài quận, rồi cáo quan, trả mũ áo về nhà không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục. Đấy là bậc thanh cao nhất.
- Đặng Tảo được ban ơn, không lấy làm vui mừng mà cam tâm ở nơi vườn ruộng.
- Trương Đỗ, ba lần dâng sớ can, không được vua dùng mà bỏ quan về ở ẩn.
- Bùi Mộng Hoa, biết họ Hồ chuyên quyền mà đi ở ẩn không ra làm quan.
- Trần Đình Thâm, giả làm tai điếc để tránh tai họa mà không chịu thần phục bọn phản nghịch cướp ngôi.
Tấm bia cổ vẫn còn lưu giữ được tại đàn thiện Phù Tải
Dấu tích
Sau này, Trương Đỗ mất tại quê nhà, ông được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng. Trải qua các triều đại phong kiến, ông đều được sắc phong thần, trong đó có các sắc phong của Tự Đức ngày 24.11.1880, vua Duy Tân ngày 11.8.1909 và vua Khải Định ngày 25.7.1924. Kính trọng ông, xưa kia người làng Phù Tải (cũ) gọi các loại đỗ là đậu. Ông được thờ tại đình Võ của làng. Đến năm 1947, đình Võ bị hạ giải, dân làng và một số dòng họ lớn trong làng, đặc biệt là dòng họ Trương đã rước tượng ông và trạng nguyên Phạm Hiên là hai vị Thành hoàng của làng về thờ tại đàn thiện Phù Tải cho đến ngày nay.
Đàn thiện Phù Tải là di tích lớn nhất liên quan đến Trương Đỗ. Đàn được xây dựng nhằm cầu cho linh hồn người dân thiệt mạng trong chiến tranh được siêu thoát, khuyên răn con người nên làm nhiều việc thiện để giảm bớt khổ đau. Sau này đàn thiện Phù Tải còn thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, trạng nguyên Phạm Hiên và Ngự sử đại phu Trương Đỗ.
Đàn thiện Phù Tải nằm ở thôn Phù Tải 2 trên mảnh đất cao ráo rộng khoảng 500 m2, thoáng mát, cảnh quan hữu tình. Di tích có kiến trúc chữ Tam nối liền nhau bao gồm 3gian tiền tế, 5 gian trung từ và 5gian hậu cung, mang đậm kiến trúc truyền thống thời Nguyễn. Kết cấu kiến trúc có nhiều mảng chạm khắc và phù điêu tinh xảo. Tiến sĩ Trương Đỗ được thờ ở bên trái tòa hậu cung ở gian trung tâm. Ngai thờ của ông được tạo dựng từ thế kỷ 19, được sơn son thiếp vàng với những bức chạm tứ linh, tứ quý khá đẹp.
Ông Đinh Văn Định, công chức văn hóa xã Thanh Giang cho biết cách đây khoảng 5 năm nhân dân xung quanh đàn thiện Phù Tải đã hiến đất, đóng góp tiền của, công sức mở rộng di tích, lát sân gạch, xây nhà bia, tạo cảnh quan khang trang. “Đây là tấm lòng của con em chúng tôi nhằm bảo vệ, gìn giữ di tích, tỏ lòng thành kính với Đức Thánh Trần và các cụ Phạm Hiên, Trương Đỗ, người con trung hiếu của quê hương”, ông Định chia sẻ.
Liên quan đến Tiến sĩ Trương Đỗ còn có di tích Cố Chỉ, hiện vẫn còn ở thôn Phù Tải 1. Đây là nơi Trạng nguyên Phạm Hiên và Tiến sĩ Trương Đỗ sau khi từ quan về mở trường dạy học. Sau này con cháu của Tiến sĩ Trương Đỗ có nhiều người học cao, biết rộng, thành đạt. Tại từ đường họ Trương thờ Tiến sĩ Trương Đỗ ở thôn Phù Tải 2 có bức bình phong trước sân với đôi câu đối “Chiêm Thành quân tiến kinh đô Việt/Trương Đỗ hồi triều, Chế Bồng lui” bằng gạch nung được tạo từ thời Nguyễn.
Là người con ưu tú của đất Thanh Giang, cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Trương Đỗ đã được sử sách ghi nhận, nhân dân truyền tụng, để lại tiếng thơm muôn đời: “Ba lần dâng sớ vua phật ý/Trở về ngày tháng rủ mành thưa/Nào ai bán nước tham tiền của/Ta sống thanh bần giữ nếp xưa”.
VIỆT QUỲNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét