Đi từ Biên Hòa đến Sài Gòn thường ta đi qua xa lộ Hà Nội. Nơi này dễ nhớ vì... thường kẹt xe, đi xe 2 bánh thì rất ớn vì xe tải, xe con qua lại ào ào...
Vậy trong lúc kẹt xe (hoặc xe lết từng chút một) bạn làm gì? Tìm hiểu một chút về xa lộ này để giết thời gian nhé (không khuyến khích làm chuyện này khi đi xe máy, vì dễ gây ra tai nạn giao thông!)Xa lộ Hà Nội là con đường nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và Biên Hoà, Đồng Nai được xây dựng từ năm 1959 đến năm 1961, do Mỹ đầu tư (đơn vị thiết kế và thi công là công ty CEC của Mỹ, chuyên xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan đến chiến tranh như ở Việt Nam, Iraq...).
Con đường này dài 31 km, rộng 21 m, bắt đầu từ cầu Điện Biên Phủ và kết thúc tại ngã tư Tam Hiệp, Biên Hoà. Con đường được khánh thành ngày 28/04/1961 với tên gọi là Xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, gọi tắt là Xa lộ Biên Hòa.
Tổng thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành xa lộ Saigon - Biên Hòa ngày 28/04/61
Trước 1975, cung đường này thuộc quốc lộ 1. Sau ngày Giải phóng, với việc quy hoạch lại hệ thống giao thông, xa lộ Biên Hòa được đổi tên thành quốc lộ 52 (từ khu du lịch Suối Tiên đến cầu Sài Gòn).
Bộ tem Xa lộ Biên Hòa phát hành tháng 7/1961, kỷ niệm khánh thành Xa lộ Biên Hòa
Năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Hà Nội, UBND TPHCM đặt tên cho Quốc lộ 52, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái là “Xa Lộ Hà Nội”. Chính thức thì là vậy, nhưng người dân (và kể cả chính quyền sở tại) đâu ai biết đến quyết định đó đâu, chỉ thấy bảng tên đường là Xa lộ Hà Nội, và mặc nhiên hiểu rằng xa lộ Hà Nội là từ cầu Sài Gòn tới tận Tam Hiệp - y như Xa lộ Biên Hòa ngày xưa.
Nghĩ cũng ngộ, con đường này đi từ Sài Gòn đến Biên Hòa - nếu tính điểm cuối là Tam Hiệp thì có đi qua một phần Bình Dương, thiết kế và thi công thì do Mỹ... nghĩa là không có liên quan gì đến Hà Nội cả. Vậy mà đùng một cái, nó tên là Xa lộ Hà Nội! Hay thật!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét