Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Côn Đảo: từ “địa ngục trần gian” đến “thiên đường du lịch”

Hai tạp chí du lịch danh tiếng Lonely Planet (Australia) và Travel and Leisure (Mỹ) đã từng bình chọn bởi Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) là hòn đảo “bí ẩn nhất” và “quyến rũ nhất” hành tinh. Các biên tập viên của hai tạp chí này nhận thấy rằng, Côn Đảo đã có một hành trình vận động, biến chuyển chỉ sau 50 năm từ “địa ngục trần gian” trước năm 1975 đến “thiên đường” của bảo tồn hệ sinh thái biển và là nơi có nhiều loại hình du lịch biển đảo độc đáo như ngày nay. 

Dấu ấn bảo tồn hệ sinh thái biển 

Tháng 6, khi dịch Covid – 19 đang lan rộng trên toàn cầu nhưng Việt Nam đã bước đầu khống chế thành công. Trên nhiều diễn đàn, mang xã hội lan tỏa câu chuyện, người Việt đi du lịch nội địa và “Côn Đảo - thiên đường giữa Biển Đông” được nhiều người nhắc tới. Chúng tôi có cuộc hành trình 4 giờ đồng hồ vượt biển bằng tàu cao tốc thì được anh Thái Khắc Tình, một cán bộ trẻ của Vườn Quốc gia Côn Đảo, đón và đưa ra hòn Bảy Cạnh, một hòn đảo nhỏ nằm phía Đông của huyện đảo Côn Đảo.

Vùng biển xung quanh hòn Bảy Cạnh được bảo vệ nghiêm ngặt để phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển như: các rạn san hô với thành phần loài đa dạng, các loài trai, ốc, hải sâm, cá sống trong rạn san hô, rùa biển, cỏ biển, rong biển…
Trên chuyến ca nô ra hòn Bảy Cạnh, chúng tôi cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hệ sinh thái biển nơi đây. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng hệ sinh thái rừng ngập mặn đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô của Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Đến trạm kiểm lâm trên hòn Bảy Cạnh khi chiều xế tà, chúng tôi chứng kiến cảnh các cán bộ kiểm lâm vội vã phân công nhau người nấu cơm, người lo dọn dẹp sắp xếp đồ đạt vừa mang từ đảo lớn ra. Hỏi ra mới biết các anh phải tranh thủ hoàn tất mọi công việc trước khi trời tối, bởi ở đây ban đêm đảo không được thắp đèn và gây tiếng ồn vì nếu làm như vậy sẽ khiến cho rùa sợ và không lên đảo đẻ trứng nữa.

Anh Thái Khắc Tình cho biết, bắt đầu từ những năm 1994, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tiến hành bảo tồn rùa biển. Ban quản lý đã thành lập 5 trạm kiểm lâm ở các đảo thường xuyên có rùa biển lên đẻ trứng nhằm nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển thông qua đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, bảo vệ sinh cảnh làm tổ và di chuyển các tổ trứng đến nơi an toàn.

Chúng tôi vội vã ăn xong bát cơm thì trời cũng đã tối, đây cũng là lúc công việc bảo vệ rùa sinh sản bắt đầu. Dẫn chúng tôi đi tuần rùa là kiểm lâm Lê Trung Hiếu. Hiếu cho biết, rùa thường lên đẻ vào đêm khuya nhưng công việc của kiểm lâm phải có mặt lúc trời tối để kiểm soát những trường hợp xấu gây ảnh hưởng đến rùa.

Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đàu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công và hiệu quả nhất về chương trình bảo tồn, cứu hộ rùa biển. Ảnh: Tất Sơn

Sau khoảng 60 ngày ấp trứng, những chú rùa con sẽ nở và cùng nhau bới cát, chui ra khỏi ổ. Ảnh: Tất Sơn

Hàng năm, Vườn Quốc gia Côn Đảo thả về biển khoảng trên 150 ngàn cá thể rùa con. Ảnh: Tất Sơn

Kiểm tra kích thước, sức khỏe của rùa mẹ trong mỗi lần lên sinh sản. Ảnh: Tất Sơn

Những cán bộ kiểm lâm thuộc Trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh thường xuyên tiến hành tuần tra khu vực rừng ngập mặn. Ảnh: Thông Hải


Vườn Quốc gia Côn Đảo có hệ sinh thái rừng và biển phong phú, đặc sắc với nhiều loài động vật quý hiếm. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo



Côn Đảo nổi tiếng với những rạn san hô và hệ sinh thái biển đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo 

Sau vài tiếng ngồi bãi biển đợi rùa lên đẻ trứng cuối cùng chúng tôi cũng được toại nguyện. Những con rùa mẹ nặng cả tạ lừ lừ từ dưới biển bò lên bãi đào hố và đẻ trứng. Lúc này cũng là lúc các cán bộ kiểm lâm từ trạm xuống bãi, phân nhau ra để theo dõi từng ổ rùa để tránh không lọt cá thể nào. Các con rùa mẹ lên đảo hầu như đều đã được gắn thẻ theo dõi từ trước và đều được ghi chép về kích thước, sức khỏe và số lượng trứng để báo về BQL theo dõi. Theo ghi chép của các anh, trong đêm đó, có tới 17 ổ trứng với gần 2000 trứng rùa được đẻ ra.

Năm 2014. Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo, là một trong 2.203 Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế. Côn Đảo là Khu Ramsar thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.
Sau khi di rời trứng rùa đến nơi an toàn thì trời cũng sáng, các anh lại tiếp tục tập hợp những chú rùa con đã nở trong hồ ấp để đem đi thả về biển. Những chú rùa con theo tiếng sóng cùng nhau lao ra biển nhưng không quên ngoái đầu nhìn lại bờ biển nơi mình được sinh ra để sau này trưởng thành lại tìm đường quay về chốn cũ.

Hằng năm, từ tháng 6 đến tháng 10 có trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ đẻ trứng, có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và sinh nở rồi thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh, hòn Tre lớn, mỗi đêm có 10 – 20 rùa mẹ lên làm tổ.

Qua 26 năm thực hiện công tác bảo tồn rùa biển, Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công và hiệu quả nhất về chương trình bảo tồn, cứu hộ rùa biển, đóng góp rất quan trọng trong chiến lược hành động đa dạng sinh học quốc gia và khu vực.

“Ngoài công tác bảo tồn rùa thì bảo vệ hệ sinh thái biển cũng vô cùng quan trọng. Đây là tiền đề cho việc phát triển du lịch ở Côn Đảo. Hàng năm, Côn Đảo đón chào hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan bởi vẻ đẹp hoang sơ và hệ sinh thái biển phong phú, đặc sắc”. Anh Nguyễn Đình Lý - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh chia sẻ.

Sức hấp dẫn du lịch Côn Đảo

Du khách có thể đến với Côn Đảo bằng đường biển từ Cảng Cát Lở - Vũng Tàu với thời gian di chuyển là 04 giờ hoặc đường hàng không từ sân bay Tân Sơn Nhất – Tp. HCM với thời gian bay là 45 phút.
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn, Côn Đảo còn có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa – lịch sử - tâm linh, bởi nơi đây có Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Đến với Côn Đảo, nơi từng được ví là “địa ngục trần gian” thời Pháp thuộc và dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, du khách sẽ được sống lại với một giai đoạn lịch sử hào hùng và bi tráng của cách mạng Việt Nam. Chính tại nơi đây, trong hơn 100 năm (từ 1862 đến 1975), trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hi sinh tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo, nơi đã khiến cả thế giới phải bàng hoàng khi sự thật được phơi bày ra ánh sáng.

Đối với những người ưa thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ, tìm hiểu lịch sử và muốn trải nghiệm những khoảnh khắc khó quên cùng biển xanh cát trắng giữa ngàn khơi thì Côn Đảo chính là địa điểm hàng đầu.

Đường băng sân bay Côn Đảo là một trong những đường băng thú vị nhất trên thế giới với hai đầu giáp biển. Ảnh: Bảo Uyên 

Bến tàu ca nô đưa du khách khám phá những hòn đảo nhỏ ở Côn Đảo. Ảnh: Bảo Uyên

Những căn biệt thự hướng biển mang phong cách gần gũi với thiên nhiên của khu nghỉ dưỡng cao cấp Six Senses Côn Đảo. Ảnh: Lê Minh

Du khách trải nghiệm khoảnh khắc thả rùa con về với biển trên hòn Bảy Cạnh. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo

Du khách khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Côn Đảo. Ảnh: Tất Sơn

Những cung đường tuyệt đẹp chạy ven biển và uốn lượn theo các triền núi ở Côn Đảo. Ảnh: Bảo Uyên

Trại giam Phú Hải, trại giam cổ nhất Côn Đảo, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1862, có diện tích khoảng 12.000 m² với 10 phòng giam tập thể và 20 xà lim dạng hầm đá đã trở thành địa chỉ du lịch lịch sử ý nghĩa dành cho du khách. Ảnh: Thanh Hòa

Du khách tham quan khu di tích Bảo tàng Côn Đảo để tìm hiểu rõ hơn về lịch sử nơi đây. Ảnh: Thông Hải

Du khách tham quan khu Chuồng cọp ở Côn Đảo. Ảnh: Tất Sơn

Mô hình mô tả lại cảnh tra tấn tù nhân bị biệt giam ở khu Chuồng cọp thuộc trại giam Phú Bình. Ảnh: Tất Sơn 

Khi trời về khuya, du khách thường tới Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương để dâng những nén tâm hương nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ. Ảnh: Bảo Uyên

Người dân và du khách thập phương viếng mộ anh hùng Võ Thị Sáu và các liệt sĩ đang yên nghỉ tại ở nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Bảo Uyên

Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị tù đày tại nhà tù Côn Đảo từ năm 1862 đến 30/4/1975. Ảnh: Thanh Hòa 

Điển hình, từ năm 2008 Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã xây dựng nhiều tour du lịch để giúp du khách hiểu rõ vai trò của hệ sinh thái biển ở Côn Đảo như: xem rùa đẻ trứng, lặn biển ngắm san hô, đi bộ trong rừng, ngắm cảnh hoang dã trong rừng phát hiện những sinh vật độc đáo của khu vực …

Đối với người Việt Nam, Côn Đảo là địa điểm du lịch tâm linh linh thiêng nhất Việt Nam.
Hàng năm Côn Đảo đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, thư giãn trên những bãi biển dài, hoang sơ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng riêng cho nơi này. Được biết, UBND huyện Côn Đảo luôn định hướng du lịch là không xây dựng ồ ạt mà phải có quy hoạch chi tiết để không phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng tới giá trị đa dạng sinh học.. 

Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp hiếm có cùng với những giá trị đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, từ chỗ là “địa ngục trần gian” Côn Đảo đang nhanh chóng chuyển mình trở thành hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh, là nơi hiếm hoi trên thế giới khiến du khách đặt chân tới và luôn mong muốn có một ngày sẽ được quay trở lại./.

Bài: Sơn Hải - Ảnh: Bảo Uyên, Thanh Hòa, Tất Sơn, Lê Minh, Thông Hải và Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét