Trong công viên Mũi Tàu ở Hà Tiên, tượng đá Mạc Cửu cao 7m do điêu khắc gia Nguyễn Hồng Phong tạc. Ảnh: Quang Trưởng
Đến bức mật thư dài
Năm ngoái (2001) ghé vội, tôi chưa kịp ngoạn du Hà Tiên thập cảnh. Tuy nhiên, dạo ấy, trong bữa tiệc sơ ngộ với một số bậc thức giả tại địa phương, tôi có hỏi về Thạch động thôn vân thì được nghe lắm chi tiết lý thú. Rằng “động đá nuốt mây” nằm trong ngọn núi cách trung tâm thị xã chừng 3km về phía tây bắc. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi tên là 雲山 / Vân sơn / núi Mây: “Cao chừng 4 trượng, bốn bên dốc đứng như cái cột kình thiên, núi động rộng 4,5 trượng, trong có chùa Bạch Vân.”
Thạch Động nhiều hang hốc, mà hang Đại Bàng và hang Âm Phủ liên quan cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông. Các hang này, theo sách Du lịch Hà Tiên do Giang Lưu Minh Huấn và Giang Lưu Minh Đoán biên soạn (NXB Văn Nghệ TP.HCM 1998), cũng có khả năng dính dáng kho tàng họ Mạc: “Nghĩ vậy có người liều lĩnh cầm đuốc đi trong hang tối om. Lối đi hiểm trở, càng vào sâu càng nhiều ngõ ngách. Đi mãi không cùng, lên cao rồi xuống thấp, cuối cùng bỗng lại thấy mình trở về chỗ cũ. Trèo lên miệng hang hỏi người trong đoàn mới biết đã mất hết 1 đêm 2 ngày.”
Chuyện kho báu dòng tộc Mạc gắn liền với lịch sử mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt. Địa bàn Hà Tiên hiện nay vốn là một phần của vương quốc Phù Nam xa xưa, đến thế kỷ XVIII thì nằm trong tình trạng vô quản với tên gọi Mang Khảm / Man Khảm / Màng Khảm. Khoảng năm 1700, Mạc Cửu tới lập nghiệp.
Mạc Cửu (1655 – 1735) quê ở huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Không chịu cạo tóc gióc bím theo triều Mãn Thanh, ông đã đưa mẹ cùng thuộc hạ phiêu dạt xuống khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên, ông xin thần phục vua Chân Lạp, nhưng sau đấy thấy bất ổn, ông sang Mang Khảm định cư. Sách Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969) ghi nhận: “Ông đến ở đấy, mở sòng gá bạc để lấy xâu, lại đào được một hầm bạc chôn, nên trở thành giàu. Mạc Cửu bèn xây một ngôi thành trên bờ biển, mở phố xá rồi chiêu tập lưu dân đến (…), lập thành 7 xã thôn. Tương truyền đất Màng Khảm có người Tiên thường hiện trên sông, nên đặt là Hà Tiên.”
Lịch sử Mang Khảm sang trang mới với tên gọi chính thức là trấn Hà Tiên kể từ năm Mậu Tý 1708, khi Mạc Cửu xin sáp nhập đất này vào Đàng Trong. Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) ưng thuận, phong Mạc Cửu chức Tổng binh, cho thụ tước Cửu Lộc hầu.
Mộ Mạc Cửu trên núi Lăng/Bình San. Ảnh: Phanxipăng
Sau khi Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn Phúc Thụ (1697 – 1738) sắc ban chức Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân, truy phong tước Vũ Nghị công, và cử con trai độc nhất của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ thế tập sự nghiệp phụ thân, cho thăng Đô đốc trấn Hà Tiên, tước Tông Đức hầu.
Mạc Thiên Tứ còn có tên Mạc Tông, tự Sĩ Lân, là con của Mạc Cửu và Bùi Thị Lẫm – một phụ nữ Việt Nam quê ở trấn Biên Hoà. Thụ tước phong của chúa Nguyễn xong, Mạc Thiên Tứ đổi tên thành Mạc Thiên Tích, tiếp tục mở mang phát triển đất Hà Tiên về nhiều phương diện: khai hoang phục hoá, xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh mậu dịch mà quan hệ ngoại thương rất được chú ý, tổ chức chiến đấu chống bọn hải tặc lẫn quân ngoại xâm nhằm kiên quyết bảo vệ từng tấc đất quê hương và đảm bảo cuộc sống an bình cho dân chúng. Đại Nam liệt truyện tiền biên nhận xét về Mạc Thiên Tích: “Thông minh mẫn tiệp, đọc rộng kinh sử, tinh thông võ lược.”
Không chỉ là võ tướng, Mạc Thiên Tích còn là văn tài mà việc thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các – nơi vừa quy tụ tao nhân mặc khách bốn phương vừa làm trung tâm giáo dục miễn phí – được xem là công lao nổi bật.
Tương tự mặt trái chiếc huân chương, trấn Hà Tiên phồn vinh, xinh đẹp, lại toạ lạc vị trí chiến lược quan yếu đã khiến mảnh đất này thường xuyên đối mặt với thực tế: các thế lực phong kiến lân cận luôn dòm ngó bằng cặp mắt khát thèm! Suốt nhiều thế kỷ, Hà Tiên kinh qua bao phen binh lửa. Riêng tính giai đoạn Mạc Thiên Tích làm Tổng binh Đô đốc, sách sử còn ghi hàng loạt trận giao tranh ác liệt với quân Chân Lạp, Xiêm La, và chẳng phải lần nào họ Mạc cũng thắng.
Tháng 10 Tân Mão (1771), quân Xiêm đánh chiếm Hà Tiên, Mạc Thiên Tích đành bỏ thành, theo đường sông chạy về Trấn Giang (Cần Thơ). Năm Quý Tị 1773, phong trào Tây Sơn bùng lên ở Bình Định rồi tiến quân vào Nam, ra Bắc. Mùa xuân Giáp Ngọ 1774, Phú Xuân thất thủ, Định vương Nguyễn Phúc Thuần bôn tẩu ở Quảng Nam rồi Gia Định, Định Tường, Cần Thơ, rốt cuộc bị quân Tây Sơn bắt giết ở Long Xuyên. Bấy giờ, Mạc Thiên Tích trấn giữ cửa sông Kiên (nay thuộc thị xã Rạch Giá (3)). Tây Sơn phái người đến chiêu dụ nhưng Mạc Thiên Tích không theo, lánh ra đảo Phú Quốc. Vua Xiêm là Phya Tek (sử cũ ghi Phi Nha Tân hoặc Trịnh Quốc Anh) cho thuyền tới đón. Cùng lúc đó, nhận lệnh Nguyễn Phúc Anh (thư tịch thường ghi Nguyễn Ánh tức vua Gia Long sau này), Tôn Thất Xuân – tức Chưởng cơ Nguyễn Phúc Xuân – qua Xiêm cầu viện. Vua Xiêm tiếp đãi trọng vọng, nhưng rồi nghe lời gièm pha, nghi ngờ Mạc Thiên Tích và Tôn Thất Xuân làm nội ứng để mưu chiếm kinh thành Vọng Các / Bangkok. Tôn Thất Xuân cùng tuỳ tùng đều bị hại. Mạc Thiên Tích bị lăng nhục. Các con ông là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Duyên, Mạc Tử Thảng, Mạc Tử Thượng cùng nhiều gia nhân bị giết. Còn Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Tuấn, Mạc Tử Thiêm may mắn được một viên quan sở tại thương tình che dấu nên thoát chết. Uất hận, Mạc Thiên Tích tuẫn tiết bằng cách mà sách xưa gọi là “kim thôn” nghĩa là nuốt vàng cho đến ngạt thở để tự sát! Sự kiện xảy ra vào mùng 5 tháng 10 Canh Tý (1780 – năm Nguyễn Phúc Anh lên ngôi vương ở Sài Gòn).
Hơn hai thập niên sau, năm Giáp Tý 1804, con cháu của Mạc Thiên Tích sang Xiêm đem tẩu cốt (tro xương sau khi hoả táng) của người quá cố về Hà Tiên, lồng vào hình nhân bằng sáp để tẩm liệm rồi mai táng tại Bình San / núi Lăng; phía dưới lăng mộ Mạc Cửu và nằm trong khu nghĩa trang dòng họ Mạc. Năm 1822, niên hiệu Minh Mạng thứ III, Mạc Thiên Tích được triều đình Huế truy phong Đạt Nghĩa chi thần (4).
Mộ Mạc Thiên Tứ/Tích – người sáng lập Tao đàn Chiêu Anh Các. Ảnh: Minh Phú
Dân địa phương bấy lâu nay vẫn kính cẩn gọi Mạc Thiên Tích là đức Quốc lão quận công, hoặc ông Lịnh / Lệnh. Thiên hạ cũng kháo rằng một người giàu có, khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng như ông Lịnh chắc phải chôn giấu kho báu để phòng khi hữu sự. Nên nhớ năm Tân Mão 1771, lúc quân Xiêm vây hãm Hà Tiên, Mạc Thiên Tích cầm cự được 15 ngày đêm rồi bỏ thành. Trước khi rút đi khẩn cấp, ắt ông kịp cất kỹ lượng lớn ngọc vàng tiền bạc tại địa điểm bí mật nào đấy. Dân chúng kể có nhân vật tâm phúc trong Mạc phủ từng lỡ miệng nói ra: “Kho báu giấu dưới hang hiểm trở, có quỷ thần canh giữ”. Sau, người ta phát giác một tay thợ đá đột tử, trong mình có tờ giấy chép những vần điệu cực kỳ khó hiểu. Dư luận bàn tán: tay thợ đá được lệnh khắc nội dung bản văn bia kia lên vách núi, cạnh nơi cất giấu kho tàng, song do y tò mò tìm cửa hang nên lâm bạo bệnh mà chết bất ngờ!
Vì thế, bức mật thư chẳng mấy chốc được quần chúng thuộc làu, rồi lưu hành từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua khẩu truyền, lẽ tất nhiên mật thư phát sinh lắm dị bản. Trong những bản mà tôi sưu tầm được, đây là bản có thể xem đầy đủ nhất, gồm 34 dòng cả thảy:
Khả thuỷ sơn nhơn
Nước xanh rờn rờn
Núi xanh rờn rờn
Nhị thập viết đại
Ấp trồng cây trái
Quả ngọt hoa thơm
Tay vin tay hái
Hoa nhỏ tí tí
Quả nhỏ tí tí
Tám chín xuân thu
Hoa nào phong nhị
Thượng hạ phân kỳ
Tả hữu đồng quy
Mười hai mười tám
Toạ nơi hướng khảm
Trông ra hướng kiền
Hoa nở trước hiên
Tiền là bạch thạch
Thêm hoa thêm lá
Thêm sơn thêm hà
Phi vương phi bá
Xưng cô xưng quả
Trời có con trai
Một cội bảy lá
Bờ tre xanh xanh
Hái lá nấu canh
Canh ăn hết canh
Vị cay thanh thanh
Trời tây ngả bóng chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng
Vàng trong lòng đá
Vàng chiếu sáng loà
Vọng lên lầu các nguy nga
Hoa sen nở trắng trước toà khói hương.
Phải chăng những vần điệu lạ kỳ vừa dẫn chính là sơ đồ kho báu của dòng họ Mạc ở Hà Tiên đã mã hoá?
Bình San / núi Lăng. Ảnh: Phanxipăng
____________
(3) Thị xã Rạch Giá được nâng cấp lên thành phố theo nghị định số 97/2005/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26-7-2005.
(4) Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên chép: “Con Thiên Tứ là Tử Hoàng, Tử Thượng cũng bị giết”. Tham luận khoa học Vai trò họ Mạc ở Hà Tiên và quan hệ với triều Nguyễn của Nguyễn Khuê ghi: “Tử Duyên, Tử Hoàng, Tử Thảng bị giết”. Tuy nhiên, trên bia mộ Mạc Thiên Tích dựng năm Giáp Tý 1804 nơi Bình San ở Hà Tiên lại đề: “Hiếu nam Tử Hoàng lập thạch”. Tại sao? Đây là một nghi vấn sử học.
(3) Thị xã Rạch Giá được nâng cấp lên thành phố theo nghị định số 97/2005/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26-7-2005.
(4) Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên chép: “Con Thiên Tứ là Tử Hoàng, Tử Thượng cũng bị giết”. Tham luận khoa học Vai trò họ Mạc ở Hà Tiên và quan hệ với triều Nguyễn của Nguyễn Khuê ghi: “Tử Duyên, Tử Hoàng, Tử Thảng bị giết”. Tuy nhiên, trên bia mộ Mạc Thiên Tích dựng năm Giáp Tý 1804 nơi Bình San ở Hà Tiên lại đề: “Hiếu nam Tử Hoàng lập thạch”. Tại sao? Đây là một nghi vấn sử học.
Phanxiphăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét