Những căn biệt thự do người Pháp xây dựng từ năm 1920, tập trung trên một đồi thông cách chợ Đà Lạt 2,5 km, phía Tây Bắc thành phố. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Pháp đang làm việc ở Sài Gòn và Đông Dương, được xem như một ngôi làng Pháp, rộng 17 ha. Hiện khuôn viên này trở thành khu nghỉ dưỡng mang tên Ana Villas Dalat.
Theo quy hoạch ban đầu, cư xá có 15 căn biệt thự, được xây hoàn tất vào năm 1938. Ông Jean Oneil, đại tá quân đội viễn chinh Pháp, đã lựa chọn vùng đất này, mời kiến trúc sư quy hoạch thành khu cư xá cho các công chức, bạn bè của mình. Sau này, hai căn mới được xây thêm do nhu cầu sử dụng của chủ nhân. Ảnh: Ana Villas Dalat.
Mỗi căn biệt thự có thiết kế các phòng không trùng lặp nhau, đều có phòng sinh hoạt chung lớn. Toàn bộ nội thất và cách bài trí đều theo phong cách Pháp. Nhiều hiện vật như bàn ghế, điện thoại, tranh ảnh, đồ dùng ăn uống... còn được lưu giữ nguyên vẹn. Ảnh: Ana Villas Dalat.
Biển báo không làm phiền trước cửa mỗi phòng là một nét thú vị, được giữ nguyên từ thời Pháp. Bảng kim loại hình mặt người, với đôi mắt có thể lật lên xuống bằng cần gạt bên cạnh. Khi để mắt mở (như ảnh), người hầu thời xưa, hay nhân viên phục vụ khu nghỉ dưỡng thời nay có thể vào dọn phòng.
Căn biệt thự số 9 với phần sảnh rộng, được lựa chọn để làm nhà hàng tên Le Petit, nơi phục vụ khách ba bữa ăn chính trong ngày cho khách lưu trú.
Khách tham gia tour khám phá làng Pháp cũng được dùng bữa tại nhà hàng sau khi tham quan các căn biệt thự. Trong đó, với tour 170.000 đồng một người, khách được dùng tiệc trà chiều theo kiểu Âu, với các loại bánh và trái cây. Khách chọn tour giá 320.000 đồng sẽ được dùng bữa chính kiểu Á, thường là bữa trưa.
Một căn biệt thự có 3 - 7 phòng, được thiết kế làm phòng ngủ cho khách. Nội thất trong phòng cũng hầu như được giữ nguyên từ sàn gỗ, công tắc đèn đến lò sưởi…
Với hơn 1.300 công trình kiến trúc cổ được người Pháp xây dựng, Đà Lạt thường được ví như một "Bảo tàng kiến trúc Pháp". Các công trình nổi tiếng hiện thu hút du khách có thể kể đến là nhà thờ Con Gà, ga xe lửa, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cùng nhiều căn biệt thự cổ rải rác trong thành phố, trong đó có khu cư xá trên.
Tâm Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét