Trăm năm nghề dệt choàng
Mảnh đất trù phú Đồng Tháp cũng được xếp vào vùng đất trăm nghề của Nam Bộ, nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng với tuổi đời cả trăm năm như làng nghề dệt chiếu Định Yên, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài, nghề làm bột, trồng hoa kiểng Sa Đéc, làm nem Lai Vung hay nghề dệt choàng Long Khánh... Các nghệ nhân dệt choàng Long Khánh tự hào vì quê hương mình là một trong những làng nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của tỉnh, với những chiếc khăn rằn giản dị đã gắn bó với cuộc sống của những người nông dân thôn quê bao đời.
Nghệ nhân dệt choàng .
Theo người dân ấp Long Tả, do mảnh đất trù phú nên từ xa xưa, cha ông họ đã có nghề trồng dâu nuôi tằm, cung cấp nguyên liệu sản xuất lụa cho những làng nghề nổi tiếng trong vùng. Những thếp vải lãnh Mỹ A nổi tiếng cũng có một phần đóng góp của những nghệ nhân đất Long Khánh. Từ việc cung cấp nguyên liệu, dần dần, người trong làng chuyển qua tự sản xuất, nghề dệt khăn rằn trở nên hưng thịnh từ đó.
Trong suốt một thế kỷ qua, làng nghề này trở thành nơi cung cấp khăn rằn cho các làng quê Nam Bộ và xuất khẩu qua Campuchia. Với nghề dệt, máy móc đã thay thế sức người trong nhiều công đoạn. Nhiều gia đình đầu tư nồi hấp, máy dệt để đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn nhưng trình tự thực hiện, từ đảo chỉ, nấu, nhuộm màu, khấy hồ, phơi khô, quay chỉ, móc cửi, dệt không hề thêm bớt đi một khâu nào. Nhìn những chiếc khăn có phần mộc mạc nhưng cũng kỳ công chẳng kém các sản phẩm tơ lụa quý phái.
Những sợi chỉ màu sắc tạo nên sức sống mới cho khăn rằn.
Thống kê từ Hợp tác xã dệt khăn rằn ấp Long Tả, trong làng có khoảng 150 khung dệt các loại của gần 50 hộ sản xuất, mỗi năm có thể xuất bán hàng triệu chiếc khăn và các sản phẩm họa tiết khăn rằn. Không khí của một làng nghề truyền thống sôi động với tiếng khung dệt lách cách bền bỉ bên những máy móc hoạt động liên tục. Bên sân nhà, những cuộn sợi đủ màu sắc vẫn được phơi trong nắng để thêm óng ả, rực rỡ, là minh chứng rõ nhất của sự hồi sinh này.
Món quà của đất sen hồng
Năm 2014, làng nghề dệt choàng Long Khánh A được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn làm sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu. Điều đặc biệt, cùng với những giai đoạn thăng trầm của làng nghề, từ khi nghề dệt choàng Long Khánh được đầu tư hướng tới phát triển du lịch, các khuôn dệt, công đoạn làm thủ công vẫn giữ vị trí quan trọng để giới thiệu cho du khách tới tham quan, trải nghiệm. Đến năm 2020, hai bộ sản phẩm là bộ quà tặng của Hợp tác xã dệt choàng Long Khánh và bộ sản phẩm quà tặng của cơ sở dệt choàng Kim Chiều được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Hồng Ngự. Không chỉ mang khăn rằn tới với những người dân miệt vườn, những nghệ nhân ở làng dệt choàng Long Khánh đã biến những sản phẩm của quê hương trở thành những món quà lưu niệm, đồ thời trang “độc” và “lạ” phục vụ khách du lịch, người dân thành phố.
Các sản phẩm của làng nghề trở thành quà lưu niệm độc đáo.
Lần đầu đến ấp Long Tả, chị Nguyễn Thị Thanh Hậu (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) khá bất ngờ vì chỉ dự định mua khăn rằn về làm quà cho bạn bè, nhưng khi đến nơi, chị đã có thêm rất nhiều đồ lưu niệm mang về, từ áo, túi, phụ kiện thời trang… được làm bằng chất liệu vải khăn rằn nhiều màu sắc. Chị chia sẻ: “Trước kia tôi chỉ biết mỗi sản phẩm khăn rằn đen trắng, nên khi tới đây thấy những cửa hàng bán đủ màu sắc như hồng, đỏ, xanh, vàng…, với nhiều chủng loại, kiểu dáng khiến tôi rất bất ngờ. Chuyến đi này tôi gom được nhiều đồ về làm quà, chắc chắn bạn bè cũng sẽ rất thích thú với những sản phẩm mới mẻ này”.
Không chỉ bày bán tại làng nghề, rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ du lịch, đồ cho giới trẻ tại các thành phố lớn cũng nhập các sản phẩm này về bán. Bạn Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các sản phẩm “made in Vietnam” của các làng nghề truyền thống này được bạn bè nước ngoài rất thích thú. “Tôi đã từng đặt mua một chiếc áo dài truyền thống làm bằng vải khăn rằn của làng dệt Long Khánh để tặng một người bạn đến từ Hàn Quốc. Cô bạn ấy rất thích thú. Sau đó, có một lần chúng tôi đi chơi ở Đồng Tháp, bạn ấy đã mặc đúng chiếc áo dài đó và tạo dáng giữa đồng sen hồng. Những sản phẩm truyền thống của Việt Nam được bạn bè quốc tế rất ưa chuộng. Họ còn chủ động đặt để mang về làm quà cho bạn bè, người thân ở quê nhà”, Quỳnh Anh tự hào kể lại.
Điều để những sản phẩm làm từ vải khăn rằn có thể chinh phục được khách hàng và tìm chỗ đứng trên thị trường chính là sự sáng tạo của những nghệ nhân làng dệt đã biết khai thác dấu ấn rất riêng của sản phẩm truyền thống. Trong mỗi sản phẩm vẫn thấy dấu ấn quê hương Đồng Tháp vừa có sự biến tấu hiện đại, trẻ trung, năng động hơn.
Bảo Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét