Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Dấu tích Chăm trên đồng Gò Tháp

Những viên gạch đỏ sẫm không còn nguyên vẹn nằm im lìm dưới lớp lá khô ẩn chứa bao điều kỳ bí thuở xa xưa. Phế tích tháp cổ gắn với bao câu chuyện ly kỳ lưu truyền nơi làng quê...

Vết tích tháp Chăm 

Hơn 30 năm trước, tôi cùng nhóm bạn rong ruổi theo đàn bò trên đồng Gò Tháp, ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) sau buổi đến trường. Thuở ấy, nơi đây có nền tháp Chăm khá cao cùng những viên gạch đỏ sẫm, nằm giữa khu đất rộng cùng dấu vết tường gạch bao quanh. Sau bao đổi thay, nền tháp và tường bao quanh bị san phẳng, nhưng vết tích tháp cổ vẫn còn hiện hữu với những thỏi gạch vỡ ẩn mình dưới lớp lá khô. Ông Phạm Ngăn, người khai khẩn và canh tác trên khu đất, cùng tôi tìm vết tích tháp Chăm dưới tán rừng keo lai xanh mát giữa trưa nắng. 

Khu vực lưu vết tích tháp Chăm. 

Theo lời ông Ngăn thì, cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Hợp tác xã nông nghiệp I Phổ Cường khai thác đất sét và nung gạch cạnh nền tháp dãi dầu mưa nắng. Sau đó, họ dùng máy ủi san phẳng nền tháp lấp hố sâu do khai thác đất. Khi lò gạch dừng hoạt động, ông khai hoang và canh tác hoa màu trên nền tháp cổ và khu vực lân cận với bao nỗi nhọc nhằn. 

Việc gieo trồng gặp trở ngại vì quá nhiều gạch cổ lẫn trong đất. Nhà máy Đường Phổ Phong đưa máy cày 3 chảo, công suất lớn vào xới đất để trồng mía, nhưng đành bất lực. Thợ máy phải tháo bớt 2 chảo và dùng 1 chảo còn lại bới từng viên gạch ra khỏi lòng đất. Ông gom gạch thành đống trước khi đặt hom mía ngọt lành vào lớp đất bạc màu. Do canh tác không hiệu quả, nên giờ ông chuyển sang trồng keo lai. "Lúc ấy tôi gom chưa hết, nên giờ vẫn còn nhiều gạch bể đấy. Nếu đào sâu xuống nữa thì chắc chắn sẽ có nhiều viên còn nguyên vẹn vì chảo cày chưa đụng tới. Chu vi nền tháp ước chừng 750m2 và khuôn viên bao quanh bằng gạch khoảng hơn 2.000m2", ông Ngăn khẳng định.

Người Chăm thường xây dựng tháp hướng về phía đông, nơi ánh nắng ban mai báo hiệu ngày mới. Ba phía còn lại là những dãy núi: Đá Táo, Giông Lớn và Bằng Giấy tạo thành hình vòng cung, vươn ra biển cả bao la. Có lẽ, khu vực dưới chân núi từng là nơi cư trú của người Chăm thuở xa xưa. Phế tích tháp Chăm với những thỏi gạch nhuốm rêu phong vẫn chứa bao điều huyền bí. Một vị lãnh đạo xã Phổ Cường cho rằng: "Có lẽ người Chăm lấy đất tại nơi đó để làm gạch xây dựng tháp. Bởi vì, khu vực này có nhiều đất sét mà Hợp tác xã nông nghiệp 1 Phổ Cường từng khai thác để sản xuất gạch, ngói". 

Chuyện ly kỳ quanh tháp cổ


Phế tích tháp cổ gắn với những câu chuyện ly kỳ lưu truyền trong dân gian. Chuyện rằng, có người đi tát nước đêm nhìn thấy đàn lợn con màu vàng sáng lấp lánh nhởn nhơ trên thửa ruộng cạnh nền tháp. Ông vội cởi chiếc nón lá đội trên đầu chụp bắt, nhưng khi thò tay vào trong thì lợn con màu vàng biến mất. Sau hồi lâu quần đảo trên nền ruộng khô nứt nẻ, đàn lợn con biến mất khi chạy vào gần tháp cổ. Những người đi sau đến gặp nghe ông kể chuyện cùng chứng cứ là chiếc nón lá rách tả tơi và tiếng thở dài đầy nuối tiếc. 

Ông Phạm Ngăn (bên phải) cùng những viên gạch xây dựng tháp cổ. 

Chuyện lan truyền khắp làng quê, gieo hy vọng đổi đời cho bao người. "Giấc mơ vàng Hời" in sâu trong tâm trí của những người dân quê chất phác. Họ cho rằng, người Chăm thuở trước chôn vàng bạc và châu báu trước khi di chuyển vào phương Nam, nên ra sức kiếm tìm và đào bới. "Nhiều người dân ở đây đào bới, nhưng chẳng ai tìm thấy cả. Khi phát hiện dấu vết 3 chiếc chum in dưới hố, họ mới hết hy vọng và không đào bới nữa", ông Ngăn cho hay.

Cư dân trong vùng gọi cánh đồng có ngôi tháp cổ là đồng Gò Tháp, cao hơn những xứ đồng bên cạnh. Thường ngày, họ cần mẫn cấy trồng bên phế tích và hào hứng nhắc chuyện quanh ngôi tháp cổ xây dựng từ thuở xa xưa.

Bài, ảnh: TRANG THY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét