Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Chợ 'độc' miền Tây: Chợ cá đồng giữa... rốn lũ

Nằm giữa vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp các tỉnh giàu cá tôm, chợ cá đồng Trường Xuân (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) bao năm qua được nhắc đến như một chợ sỉ cá đồng lớn nhất khu vực ĐBSCL.

Một góc chợ cá đồng Trường Xuân - Ảnh: M.TRƯỜNG

Bởi việc buôn bán ở đây rất trọng chữ tín nên thương lái và ngay cả khách du lịch cũng thường ghé mua hàng vì an tâm về chất lượng. 

Ông ĐẶNG VĂN LƯỠNG

Giờ nào cá nấy

Những ngày đầu tháng 8, khi nước lũ tràn về các cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp), những mẻ cá linh tươi rói đầu mùa đã lác đác xuất hiện tại chợ cá đồng Trường Xuân.

Một giờ khuya. Cảnh vật im ắng bỗng bị xé toạc bởi tiếng ghe tành tạch từ các cánh đồng lũ đổ về chợ cá đồng Trường Xuân, nằm cặp mé kênh Tứ. Phần lớn là ghe của thương lái chở cá linh non và một số ghe của người dân đánh bắt trực tiếp. 

Những mẻ cá linh được xúc từ khoang ghe lên còn nhảy tanh tách nhanh chóng được cân rồi cho vào từng thùng nhựa đưa lên các xe tải biển số TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang... để chở thẳng đi các chợ bán lẻ.

Ông Nguyễn Minh Tiếp, 53 tuổi, ngụ Tiền Giang, một thương lái chuyên thu mua cá linh, cho biết bình quân mỗi ngày ông chở 300-400kg cá linh đi giao cho các nhà hàng, quán ăn và tiểu thương ở các chợ bán lẻ. 

Nhiều năm về trước, người miền Tây có câu cửa miệng "rẻ như cá linh", nhưng hiện nay giá mỗi ký cá linh không dưới 200.000 đồng. 

"Thời điểm này tôi bán độc nhất mỗi loại cá linh. Loài cá này ngày càng khan hiếm nên giá năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước" - ông Tiếp nói.

Càng về gần sáng, ghe tập trung về chợ càng đông. Tầm hơn 5h, tiếng ghe, tiếng người gọi nhau í ới vang cả một khúc kênh. Do mới đầu mùa lũ, cá linh chưa vào chính vụ nên khi trời vừa rõ mặt người thì lượng cá này chở về chợ cũng giảm hẳn. 

"Khoảng 2-3 giờ chiều chợ mới đông lại. Lúc đó chợ chủ yếu bán các loại cá trắng như mè vinh, chép và một số sản vật mùa lũ khác..." - ngồi trên ghe có mái che, ông Huỳnh Văn Cước, 53 tuổi, quê Bến Tre, nói.

Ngoài việc chợ họp theo từng khung giờ thì sản vật mùa lũ ở đây cũng được phân bố theo từng khu rõ ràng. 

Từ ngoài lộ lớn vào là khu bày bán chuột đồng, rắn, rùa; đến khu gần lộ là chỗ bán các loại cá trắng như mè vinh, chép, mè trắng; kế đến là các vựa sát bờ kênh chuyên về các loại cá đen như lóc, trê, rô và bông súng, điên điển; ngoài cùng là các ghe tứ xứ về đây đậu hàng tháng để mua cá làm mắm tại chỗ như ghe của ông Cước.

Ông Huỳnh Văn Cước và bà Lê Thị Thật mua cá làm mắm cả tháng trời tại chợ Trường Xuân - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chuyến đi chợ cả tháng

Dù chợ họp quanh năm suốt tháng nhưng vợ chồng ông Cước và bà Lê Thị Thật chỉ đi chợ đúng một lần trong năm. 

Đó là vào mùa nước nổi, khi những cánh đồng giáp biên giới Campuchia như một tấm thảm vàng khổng lồ, ông lại dong chiếc ghe trên sông Tiền từ Bến Tre đến chợ cá đồng Trường Xuân.

"Tôi rất ít khi đi chợ nhưng mỗi lần đi là phải đi cả tháng trời mới đã" - ông Cước nói. 

Hơn 30 năm qua, hai vợ chồng ông gắn liền với con tôm, con cá để mưu sinh. Ban đầu khi cá tôm còn nhiều, hai vợ chồng chạy ghe khắp các con kênh vùng Đồng Tháp Mười để mua trực tiếp từ các ghe đánh bắt của người dân và bán lại kiếm lời.

Nhưng cá đồng ngày càng hiếm, cá chỉ tập trung theo từng mùa nên vợ chồng ông chuyển qua làm mắm để bán. 

Khoảng 10 năm trở lại đây, đều đặn mỗi năm một lần vào mùa nước nổi, hai vợ chồng lại vượt cả trăm cây số đường sông để neo ghe trên kênh Tứ cả tháng trời gom cá làm mắm. 

"Cá đồng ngày càng khó mua, bởi vậy mình mới phải chờ đợi cả tháng mới gom đủ hàng nhưng không phải vì vậy mà mình làm ẩu, mua cá nuôi để trộn vào mẻ mắm" - bà Lê Thị Thật nói.

Những mẻ cá đồng tại chợ Trường Xuân - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Hợp đồng... chữ tín

Ông Hồ Văn Đoan, 47 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, có tám năm theo nghề bán lẻ cá đồng ở chợ Cái Bè, cho biết: "Hồi trước tôi đi gom cá đồng ở các mối lẻ dọc đường, chuyên bị lừa bằng cá nuôi. Nhưng từ hồi lấy cá ở chợ Trường Xuân đến nay thì không có tình trạng đó". 

Dù nước lũ đang lên nhanh những ngày đầu tháng 8, vựa cá đồng Chí Tâm nằm trong chợ vẫn chưa mở cửa. 

Theo anh Tâm - chủ vựa, hiện lượng cá đồng vẫn chưa đủ để cung ứng cho khách. Để đảm bảo đủ nguồn cung, anh Tâm hiện đã hợp đồng với năm ghe chuyên đi mua cá trực tiếp từ người dân trên đồng.

Cạnh vựa cá anh Tâm, vựa cá bà Nguyễn Thị Hiếu bán buôn nhộn nhịp. Theo bà Hiếu, để có nguồn hàng dồi dào, bà đã liên kết trực tiếp với các chủ ghe bằng cách cho mỗi người mượn vài chục triệu đồng để mua ngư cụ đánh bắt cá. 

"Chú Tư mượn 10 triệu, chú Bảy 20 triệu..., thật sự tui cũng không biết tên trên giấy tờ của mấy chú là gì, nhà ở đâu nữa. Tuy vậy nhưng chưa bao giờ tui bị quỵt" - bà Hiếu nói.

Nhận tiền từ chủ vựa, chủ ghe lại dùng số tiền này cho người dân trên đồng mượn lại mua sắm ngư cụ đánh bắt cá. Hai bên giao kèo bằng miệng rồi giao tiền. 

Cuối buổi đến cân cá rồi trừ dần - bà Nguyễn Thị Luyến, 63 tuổi, một chủ ghe chuyên đi gom cá trên đồng về bán cho các vựa ở chợ Trường Xuân, cho biết.

Bà Luyến nói: "Tui làm ăn với người dân gần cả chục năm nay nhưng chưa bị mất một đồng". 

Mối quan hệ giữa chủ vựa - chủ ghe - người dân khăng khít như vậy và làm nên thương hiệu về một ngôi chợ mộc mạc nhưng có sức sống lâu bền như tên gọi Trường Xuân.

Mua bán không lập lờ

Ông Đặng Văn Lưỡng, trưởng ban quản lý chợ cá đồng Trường Xuân, cho biết chợ có từ hàng chục năm nay. Ban đầu chỉ là chỗ mua bán tự phát của người dân bên dòng kênh Nguyễn Văn Tiếp, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Long An - Đồng Tháp. 

Cách đây hơn 10 năm, chợ được dời vào vị trí hiện nay với quy mô 15-20 vựa hoạt động quanh năm. Bình quân mỗi ngày chợ cung cấp trên dưới 10 tấn cá cho các thương lái để bán lẻ tại các chợ khác.

Những năm trước, chợ cá đồng Trường Xuân chỉ bán độc nhất cá tôm tự nhiên, tuyệt đối không bán đồ nuôi. Tuy nhiên, các năm gần đây vào những thời điểm cá, tôm đồng khan hiếm, chợ có bán luôn cá nuôi nhưng công bố rất rõ ràng chứ không có chuyện lập lờ đánh lận con đen.

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét