Nhìn từ xa núi Bà Đen tựa một chiếc nón úp nên thơ bên dòng sông Vàm Cỏ Đông ở Tây Ninh. Khi đến gần mới thấy núi Bà Đen hùng vĩ với độ cao 986 mét và được coi là “nóc nhà miền Đông Nam Bộ”.
Núi trải rộng 24 cây số vuông, rừng cây rậm rạp và hệ thống hang đá hiểm trở trên núi đã ghi dấu bao kỳ tích của đội quân giải phóng anh hùng. Họ đã minh chứng: “Người cộng sản chúng ta về ở đó/ Để núi hừng lên làm núi mặt trời” (Huyền Kiêu).
Đội quân báo anh hùng
Dãy núi Bà Đen liên tiếp những đỉnh cao nhấp nhô trải rộng mênh mông trên cánh rừng của thung lũng Ma Thiên Lãnh. Đặc biệt vị trí của Núi Bà Đen án ngữ ngã ba đường đi lên chiến khu cách mạng sát biên giới nước bạn Campuchia. Quốc lộ 22B và đường số 793 nối khép kín căn cứ địa “Trung ương Cục miền Nam” tại hai khu rừng Rừm Đuôn và Chàng Riệc.
Đầu thập niên 60, khi Bộ chỉ huy của “Trung ương Cục miền Nam” hình thành, giặc Mỹ đã sớm chiếm đỉnh núi Bà Đen do thám những hoạt động của quân đội ta. Nhất là sự ra đời của Mặt trận Giải phóng Miền Nam càng làm chúng điên cuồng đổ quân muốn đánh vào tận Bộ Chỉ huy quân đội ta ở chiến khu. Những thông tin và quan sát thực địa từ núi Bà Đen rất quan trọng.
Tượng dũng sĩ núi Bà Đen.
Ngay từ đầu năm 1962, một đơn vị trinh sát và thông tin (Liên đội 7) của mặt trận Tây Ninh được cử lên núi Bà Đen hoạt động. Nhưng tình thế gay go lúc đó giặc Mỹ đã chiếm lĩnh đỉnh cao nhất trên núi Bà Đen. Đội quân báo đã đổ bộ sườn núi phía Bắc núi Phụng. Ở đó có nhiều hang động chạy quanh núi và vị trí quan sát thuận lợi ở độ cao 600 mét.
Khi biết tin quân đội Mỹ hùng hổ tấn công muốn đánh bắt Liên đội 7 nhưng chúng không thể vào sâu trong hang núi. Chiến sĩ ta đã biến hang động thành nơi cư trú và chất lương thực, súng đạn. Hệ thống các ụ súng được rải thành một chiến hào đá nhiều tầng lớp thoắt ẩn thoắt hiện như một ma trận. Nhiều tên lính giặc bị những hỏa lực bí mật bắn bất ngờ không sao vượt lên được núi. Cứ thế cuộc chiến đấu giằng co, các chiến sĩ bắt đầu hoạt động nghiệp vụ trinh sát và thông tin. Sau này Liên đội 7 được bổ sung quân lực và mở rộng hoạt động tạo thành một đại đội chiến đấu lâu dài.
Tuy nhiên điều kiện nhiều khó khăn vì giặc Mỹ đóng quân phía dưới chân núi để kiếm soát và ngăn chặn tiếp tế của quân đội ta. Những ngôi chùa bị tàn phá. Những phật tử và ni cô trong chùa cũng bị dồn xuống núi nên không còn cơ sở liên lạc với đơn vị. Các chiến sĩ phải chắt chiu từng bình nước, bát gạo, lá rau. Không ít ngày các chiến sĩ đã phải bắt ốc và thằn lằn núi để làm lương thực, thực phẩm.
Hơn nữa giặc Mỹ nhiều lần đã thả bom xăng và bắn phá dữ dội để hòng tiêu diệt Đại đội trinh sát. Đã không ít lần chúng cho quân đổ bộ lên, và lực lượng từ trên cao tấn công tập hậu phía sau từ trên đỉnh núi Bà Đen xuống. Nhưng lợi thế chiến địa hang động tạo cho chiến sĩ ta giữ vững trận địa.
Nhiều khi kẻ thù chỉ ngồi phía trên hang mà không hề phát hiện ra các chiến sĩ ta đang nằm phục ngay phía dưới. Chỉ cần một cử động nhỏ là chúng đã bị bắn lộn cổ xuống núi. Thời gian trôi đi hơn mười năm, cuộc chiến đấu thực kiên cường ác liệt. Các chiến sĩ trinh sát bền bỉ bám trụ địa bàn, vừa cầm súng, bảo đảm cung cấp thông tin quan trọng vào chiến khu chỉ huy mặt trận. Cuối năm 1972 Liên đội 7 trinh sát đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.
Trận đánh chiếm đỉnh cao
Tuy đã có lợi thế ở hệ thống hang động nhưng vị trí đỉnh núi Bà Đen mới là lý tưởng cho không gian bốn phía. Trên đó giặc Mỹ đã cho xây ba sân bay trực thăng và đưa một tiểu đoàn biệt kích lên chế ngự. Việc các dũng sĩ Liên đội 7 đánh lên núi không dễ dàng. Nhưng sau khi giặc Mỹ phải rút khỏi nước ta công cuộc cách mạng giải phóng miền Nam càng trở nên sôi động.
Được chỉ thị của bộ chỉ huy mặt trận, bằng mọi giá phải chiếm trụ sở thông tin núi Bà Đen. Liên đội 7 phối hợp với tiểu đoàn trinh sát 47 (thuộc phòng Quân báo Miền) mở cuộc tấn công chiếm đỉnh cao vào ngày 6-12-1974. Đó là đêm hành quân bí mật qua những hẻm núi đá lên rừng. Những chiến sĩ quân báo của ta tiếp cận những vị trí đã chuẩn bị sẵn và nổ súng.
Dưới chân núi một lữ đoàn của địch cũng bị cầm chân bởi những đơn vị quân đội địa phương phối hợp tập kích. Máy bay ngụy dưới sự chỉ huy của sĩ quan Mỹ liên tục bắn phá và thả bom để bảo vệ trụ sở thông tin trên núi Bà Đen. Nhưng đêm đến là vòng vây lại được khép chặt và tiến dần lên đỉnh núi. Do nghiên cứu địa hình trong mười ba năm các chiến sĩ trinh sát Liên đội 7 đã thiết kế sơ đồ cho từng vòng vây khép kín nên Tiểu đoàn đặc nhiệm của chúng bị tiêu hao lực lượng mỗi lần định đánh xuống mở đường thoát.
Cho dù được tiếp tế vũ khí và đạn dược nhưng tâm lý giặc đã hoảng loạn. Trong khi đó các chiến sĩ ta ngày thì phục trong các hang đá, bắn rơi khá nhiều máy bay tiếp tế, khi đêm tối lại tiến công và nã pháo cối vào trụ sở địch trên đỉnh núi. Không ngày nào máy bay địch không thả bom tàn phá rừng cây. Cuộc chiến đấu giằng co từng mảnh đất và hang đá kéo dài cả tháng trời.
Cung đường hang động đá mà các dũng sĩ núi Bà Đen bám trụ chiến đấu.
Thời cơ đã đến khi đồng loạt các mặt trận Tây Ninh được triển khai. Các chiến sĩ quân báo tiến công dũng mạnh lên đỉnh núi. Giặc hoảng loạn đầu hàng. Liên đội 7 đã chiếm được trụ sở thông tin và đài quan sát của địch vào ngày 6-1-1975 sau 31 ngày đêm chiến đấu. Núi Bà Đen được giải phóng hoàn toàn.
Nhưng đâu đã chấm dứt sự đổ máu trên đỉnh núi Bà Đen. Liên tiếp những ngày sau, quân địch đã huy động nhiều trận đánh hòng chiếm lại đỉnh núi. Lần cuối cùng vào đầu tháng 3-1975, chúng huy động hàng ngàn quân sĩ tổ chức càn quét hòng chiếm lại căn cứ Bà Đen.
Nhưng sau mười ngày bắn phá điên cuồng, quân địch không sao tiến lên cao được. Chúng đành rút lui xuống chân núi và rải quân vây các chiến sĩ quân báo bám trụ trên đỉnh Bà Đen. Nhưng chúng biết đâu chỉ ít ngày sau chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Toàn bộ lực lượng Quân đội tỉnh Tây Ninh đồng loạt tấn công dồn dập tại các huyện và thị xã. Tây Ninh được giải phóng vào trưa 30-4-1975. Đỉnh núi Bà Đen vẫn được trụ vững cho đến ngày cuối cùng.
Tượng đài
Đến dự lễ hội ở chùa Bà Đen du khách thường dừng lại trước tượng đài “Dũng sĩ Bà Đen” thắp hương. Những câu chuyện được kể lại trong cuộc hành hương vía Bà càng thêm lung linh huyền ảo. Hình tượng những người anh hùng đã gieo vào tâm hồn những phật tử biết bao điều ấm áp mỗi khi bước chân lên đền Linh sơn Thánh mẫu.
Bởi một thời những tu sĩ trong chùa đã từng là một phần của cuộc chiến đấu. Họ đã tiếp tế gạo và thuốc cho các dũng sĩ Bà Đen. Chùa Hang là nơi cán bộ chiến sĩ làm việc thời kỳ đầu an toàn nhờ sự bảo vệ của những tu sĩ tại đây. Trên cửa hang có bia tưởng niệm những người anh hùng trên núi Bà Đen khắc ghi: “Nơi đây 181 cán bộ, chiến sĩ trinh sát thuộc phòng Quân báo Miền (B2), đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Thắp hương để dâng lên chúa Bà cũng là tưởng nhớ đến hương hồn các dũng sĩ đã dâng hiến cho cách mạng. Những vần thơ ngợi ca người anh hùng đã vang lên bên những đài tưởng niệm với mỗi người tham gia hành hương hàng năm. Đó là sự ngưỡng mộ và tưởng nhớ: “Trước tượng đài ta chiêm ngưỡng. Công tích của người đi mở đường. Từ nơi gió lộng này ta suy tưởng. Sống sao cho xứng đáng với quê hương” (Bóng núi trong tôi-Văn An).
Ngay sau ngày Tây Ninh giải phóng “Quán thơ” trên núi Bà Đen đã được hình thành và sinh hoạt đều đặn. Đây là nơi tập hợp những cây bút đầu tiên của tỉnh làm tiền đề cho việc tiến tới thành lập Hội Văn nghệ Tây Ninh.
Vương Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét