Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Khu di tích Lăng Mạc Cửu – Thành Phố Hà Tiên – Kiên Giang

Du khách khi đến Hà Tiên thành phố biên giới yên bình, ai cũng muốn đến viếng đền thờ và lăng mộ dòng họ Mạc mà khởi đầu là Mạc Cửu, người đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên hơn 300 năm truớc. Khu Di tích lăng Mạc Cửu thuộc quần thể di tích Bình San được xếp hạng là khu danh thắng quốc gia từ năm 1989 nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, thuộc phường Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Theo sử sách ghi lại, Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước đưa gia đình lên thuyền xuôi Nam. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến 8-1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng Chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương. Trải qua 7 đời nắm quyền, dòng họ Mạc đã biến vùng đất Hà Tiên hoang sơ thành một trong những địa điểm buôn bán sầm uất nhất trong khu vực.

Khu di tích lăng Mạc Cửu gồm: đền thờ, lăng Mạc Cửu cùng với 59 lăng mộ lớn nhỏ khác là những người thân tộc và gắn bó với sự nghiệp dòng họ Mạc trên vùng đất Hà Tiên.

Lăng và đền thờ Mạc Cửu do Mạc Thiên Tích (con trai trưởng của Mạc Cửu) thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giac; bên phải là Đại Kim Dự.


Đền thờ họ Mạc

Đền thờ họ Mạc có tên gọi là Trung Nghĩa Từ, dân địa phương quen gọi là miếu Ông Lịnh. Ngôi đền, ngoài giá trị lịch sử, nó còn là một công trình có giá trị nghệ thuật cao, bởi cách bố trí hài hòa và lối chạm trổ tinh vi, sắc sảo trở thành địa điểm du lịch Hà Tiên không thể bỏ qua.

Cổng vào

Trước đền thờ là 2 ao lớn nở đầy hoa sen mà trước kia Mạc Cửu đã cho đào để lấy nước ngọt cho dân trong vùng dùng trong mùa khô hạn. Lăng được xây dựng theo kiến trúc ba gian với cổng Tam Quan phía trước, hai bên là hai câu đối của chúa Nguyễn.

Ao sen phía trước đền thờ

Từ dưới chân núi đi lên, du khách sẽ gặp cổng đền thờ họ Mạc, có 2 câu đối bằng chữ Hán Nôm do nhà Nguyễn ban tặng:

“Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh”

Tạm dịch: 

“Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ
Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu”


Bên trong cổng là một khoảng sân rộng cùng nhiều cây xanh quanh năm xào xạc tạo cho không gian đền thờ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc dẫn đến một tiểu đình rộng.

Bên trong cổng là một khoảng sân rộng cùng nhiều cây xanh

Tiểu đình

Từ trong nhìn ra

Nằm bên phải đền thờ là nhà tiền hiền thờ những người trước ông Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, bên trái là nhà hậu hiền thờ những người đến sau ông.

Chính điện

Ngay chánh điện đền có biển thờ với bốn đại tự: “Khai trấn trụ quốc”. Đây là sự ghi nhận công đức của dòng họ Mạc trong công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam. Đặc biệt, trên vách tường đền có 10 bài thơ nổi tiếng của Mạc Thiên Tứ, “Hà Tiên thập vịnh”. Bên trong chính điện, bàn thờ ở giữa thờ ngai vị của ông Mạc Cửu và các hậu duệ của ông. Bên phải là bàn thờ các quan văn, quan võ dưới thời họ Mạc, bên trái là bàn thờ các phu nhân của dòng họ.

4 chữ ‘Khai Trấn Trụ Quốc’

Từ đền thờ quay ra, phía tay trái sẽ có bảng chỉ dẫn lên lăng mộ Mạc Cửu cùng dòng họ nhà Mạc. Theo một con đường bậc thang lên núi Bình San,đi xuyên qua những “rừng” cây bạch mai sản sinh từ cây mẹ đem từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang trồng vào năm 1720, du khách sẽ tới phần lăng mộ. Với hơn 60 ngôi mộ cổ được chia thành 4 khu riêng biệt: khu 1 là lăng mộ các tiểu vương dòng họ Mạc, khu 2 là lăng mộ các phu nhân, khu 3 là lăng mộ các quan và khu 4 là lăng mộ các thành viên khác của dòng họ Mạc.

Con đường dẫn lên phần lăng mộ

Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa, hình bán nguyệt khoét sâu vào triền núi, chỗ chôn hài cốt đúc vôi và nước “ô dước” ra dáng con trâu nằm. Hai bên tả hữu là hai vị tướng, quanh mộ xây hai con rồng quấn vào nhau. Bậc thềm cẩn bằng đá xanh Quảng Tây, nhiều tảng đá dài hơn 3m.

Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu

Trước mộ có tượng Mạc Cửu mặc nhung phục, tay cầm kiếm đứng trên một bệ cao oai phong lẫm liệt. Hai bên mộ trước kia có hai tượng tướng sĩ oai phong cầm gươm đứng hầu, chạm trổ tinh vi. Bia mộ được tạc khá đơn giản, nội dung ghi: mộ của người họ Mạc được phong làm Trấn quốc, tặng là Nghị võ, tước Cửu Lộc hầu, bia được lập vào năm Ất Mão (1735) do người con trai là Thiên Tích lập.

Được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa

Từ mộ Mạc Cửu trông ra, phía trước có núi Tô Châu và vũng Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác, bên phải là núi Kim Dự. Quang cảnh biển, trời, mây, nước tạo thành một bức tranh phong thuỷ rất đẹp mắt.

Lần theo các lối mòn và những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc.

Các lối đi dẫn đến các phần mộ khác

Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tứ (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tứ (cũng giống như mộ cha nhưng bày trí khiêm nhường hơn).

Mộ Mạc Thiên Tứ

Các phần mộ khác trong dòng họ Mạc


Tuy trải qua gần 300 năm, nhưng đền thờ, lăng mộ dòng họ Mạc vẫn giữ được nguyên vẹn những nét kiến trúc của thời kỳ đầu. Nếu có dịp du lịch Kiên Giang bạn nhớ ghé thăm khu di tích Lăng Mạc Cửu ở thành phố Hà Tiên để được nghe câu chuyện về dòng họ Mạc. Đến dâng hương, viếng mộ thể hiện tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với người có công khai sáng mảnh đất phương Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét