Voi là loài vật hoang dã sớm được đồng bào Tây Nguyên thuần dưỡng để phục vụ cho cuộc sống con người. Ngày thường ở buôn làng, voi chỉ có chiếc bành, tấm lót lưng bằng vỏ cây, dây xích bằng sắt, chiếc chuông đồng nhỏ đeo trên cổ. Trong ngày hội voi ở Buôn Đôn, voi được chăm sóc và trưng diện với bộ trang sức chỉnh chu. Trang sức chẳng những để làm đẹp, oai phong cho những ông tượng mà còn khẳng định quý trọng, thương yêu của đồng bào Tây Nguyên đối với từng con voi nhà.
Tại xứ sở của nghề thuần dưỡng và săn bắt voi rừng, đồng bào Mnông luôn có ý thức bảo vệ, làm đẹp cho voi bằng những thứ trang sức đi kèm. Trước tiên là chiếc bành voi (vơng) phải đẹp, được làm bằng mây, hết sức cầu kỳ. Vơng đặt trên lưng voi, chở người thân đi thăm bà con xa, đi trao đổi hàng giữa các vùng. Bành có mái làm bằng sợi mây đan dày để che mưa nắng. Chiếc bành càng đẹp càng thể hiện sự sung túc, giàu có của gia chủ. Ngày nay, chiếc bành mây được thay thế bằng bành sắt để có thể sử dụng được lâu dài. Trước khi đặt bành lên lưng voi, đồng bào thường lót nhiều tấm đệm bằng vỏ cây. Trong dịp lễ hội, nhất là khi đoàn voi tham gia diễu hành trên đường phố hay lễ đài, xung quang bành voi thường treo cờ, phướn nhiều màu sắc khác nhau.
Con voi được trang điểm hoàn chỉnh tham gia diễu hành trong ngày Hội voi ở Buôn Đôn.
Cà vạt đeo trên cổ voi.
Trong dịp lễ hội, khi voi không mang bành thì được phủ trên lưng một tấm choàng thổ cẩm thay cho tấm lót bằng da bò rừng hoặc vỏ cây. Đây là tấm vải thổ cẩm được các thợ dệt ở buôn làng tự tay dệt và khâu kết lại từ nhiều mảnh để có kích cỡ lớn phù hợp với dáng vóc to lớn của các chú voi. Màu sắc và hoa văn trên tấm choàng luôn đẹp mắt, mang đậm một gam màu ấm nóng Tây Nguyên. Tấm choàng vừa che lưng giữ cho những chú voi luôn được mát dịu khi trời nắng, ấm áp khi trời lạnh giá, lại khỏi bị côn trùng tấn công. Xung quanh mép tấm choàng còn trang trí tua rua bằng vải màu. Trên trán voi được che một tấm vải màu, ở giữa có hoa văn hình mặt trời. Khi nhìn thẳng, tấm vải này là điểm nhấn tạo nên nét đẹp cân đối, hài hòa giữa cặp ngà, đôi tai to và chiếc vòi luôn lắc lư chuyển động. Bốn chân voi được gắn những vòng vải màu đỏ hoặc màu hồng, để khi voi đi hoặc chạy đua sẽ tạo nên sắc màu uyển chuyển trên những bước chân chắc khỏe, thô ráp. Những tấm choàng, tấm che bằng thổ cẩm có trang trí hoa văn và màu sắc rực rỡ vừa làm đẹp, làm dáng vừa bảo vệ thân mình của những chú voi trước sự khắc nghiệt của nắng gió, khí hậu Tây Nguyên.
Tấm áo choàng trên lưng voi mang đậm một gam màu Tây Nguyên.
Tấm vải che trên trán voi với biểu tượng hình mặt trời.
Giống như người, voi cũng đeo vài thứ trang sức ở đôi tai hoặc ở cổ. Đặc biệt, chiếc lục lạc làm bằng thân tre hoặc bằng đồng, hay chiếc chuông đồng nhỏ, là “vật bất ly thân”, luôn luôn gắn trên cổ voi. Lục lạc và chuông đồng là món trang sức đơn giản vừa làm đẹp cho voi vừa là vật dụng khi chúng đi lại sẽ phát ra âm thanh trong trẻo, vui nhộn. Khi thả vào rừng tự tìm cỏ ăn nước uống, không cần dây xích buộc chân, voi ở đâu, người chủ vẫn nghe tiếng kêu để dễ tìm đến. Khi tham gia lễ hội, voi sẽ tháo chuông và lục lạc, hoặc nhét vải vào trong để khi voi di chuyển không còn phát ra tiếng kêu, tạo âm thanh hỗn tạp, nhiễu loạn, nhất là khi cùng một lúc tập trung nhiều thớt voi, sẽ gây khó khăn trong việc điều khiển của các nài voi. Thay vào đó, những chú voi có thể được chủ cho đeo một miếng vải màu tươi sáng, được buộc thắt một cách điệu nghệ, giống như cái cà vạt, làm tăng sự duyên dáng, đáng yêu của các chú voi.
Trang điểm trên bàn chân voi.
Voi nhà Tây Nguyên được thuần dưỡng từ voi rừng hoang dã. Những chú voi tinh khôn là thành viên của cộng đồng buôn làng. Chúng đã tô điểm cho Tây Nguyên một vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn. Những người nuôi dưỡng voi chẳng những biết thuần hóa voi mà còn biết tạo nên vóc dáng, ngoại hình, diện mạo qua việc trang sức, trang điểm để loài vật đáng yêu này luôn hấp dẫn du khách trong ngày hội của buôn làng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét